Trường học “không tuổi”

GD&TĐ - Đó là thế giới mà nhiều học viên Trường Trung cấp Tây Sài Gòn, TPHCM nói về nơi mình đang theo học. Đây có lẽ là cơ sở giáo dục hiếm hoi trên cả nước hàng năm đều tổ chức mừng thọ cho học viên. Hạnh phúc mà họ cảm nhận được là không khí có tính chất gia đình nơi đây. Điều này đã thúc đẩy và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời cho từng học viên.

Một học viên lớn tuổi trong lễ tốt nghiệp
Một học viên lớn tuổi trong lễ tốt nghiệp

Học để giữ nghề và cứu người

Chúng tôi tìm về “ngôi trường hạnh phúc” ấy vào một ngày mà hơi xuân đã len về khắp nẻo đường quê. Giữa không gian hanh nắng, thanh bình của một vùng đất anh hùng (Củ Chi), điều khiến chúng tôi ngạc nhiên chính là chứng kiến từng nhóm cụ ông, cụ bà mang ba lô bước chân vào lớp học.

Như hiểu được ánh mắt ngạc nhiên của tôi, thầy Trần Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn vừa nói vừa nheo mắt cười vui: “Những học sinh siêng năng và chăm chỉ nhất của lớp Y sĩ y học cổ truyền đấy. Tất cả họ đều có nghề, nắm nằm lòng danh mục các loại cây thuốc Nam, nhưng vì đam mê họ vẫn đi học tiếp”.

Đặt chiếc ba lô nhỏ xuống, mở những trang ghi chép để xem lại khái niệm, tác dụng của từng loại thảo dược, cụ bà Trần Thị Xuân Thảo (61 tuổi) quay sang nói với tôi: “Con thấy lạ hả? Không có gì là lạ cả con ạ. Bác Hồ chẳng nói học, học nữa, học mãi là gì. Bể học là mênh mông, kiến thức là vô tận. Học không chỉ cho ta kiến thức mà quan trọng, học sẽ giúp ta lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp cho đời”.

Bà Thảo cho biết, bà đi học lớp Y sĩ y học cổ truyền vì bà thấy cần thiết, quan trọng hơn là với kiến thức có được bà sẽ giúp được nhiều người hơn.

Nói về lý do mình theo học khi đã bước qua tuổi 80, cụ ông Trương Cự - học sinh lớn tuổi nhất trường, kể: “Mấy đứa nhỏ khi nghe tôi nói đi học chúng cản dữ lắm, bảo đi học vừa tốn tiền, mất thời gian, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng tôi vẫn quyết đi học”. Và sau cái quyết định khiến cả nhà dậy sóng ấy, đều đặn hàng tuần cụ Trương Cự vác ba lô, nhảy xe đò tuần một lần vào Sài Gòn đi học.

Cụ Trương Cự là người khá nổi tiếng tại tỉnh Bình Thuận với nghề bốc thuốc Nam. Hơn 40 năm làm nghề, đến bây giờ cụ vẫn cùng con vào rừng hái thuốc chứ không mua lại của người khác, vì theo cụ thuốc quý thường mọc bám trên các cây rừng nguyên sinh. Cụ quan niệm, để am hiểu mọi tác dụng dược tính của các loại thảo dược, ngoài kiến thức cha truyền con nối, kinh nghiệm thì cần phải đi học.

“Đi học mới thấy những kiến thức của mình về thuốc vẫn còn hạn hẹp. Mình biết cây thuốc này chữa được bệnh gì mà chưa biết được những thành phần dược lý trong bài thuốc đó tác động để chữa được loại bệnh đó như thế nào, kết hợp các cây thuốc ra sao để có kết quả tốt nhất. Lúc đầu đi học rất mệt vì quên trước quên sau nhưng sau một học kỳ lại cảm thấy “thấm” kinh khủng” - cụ Cự nói thêm.

Không chỉ những người đã làm thuốc, tại “trường học hạnh phúc” còn có khá nhiều người bắt đầu học với mong muốn đóng góp sức mình cho việc bảo tồn nghề y cổ truyền và giúp đời. Vừa nghỉ hưu đầu năm 2018, ông Lê Văn Sen - nguyên giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tịnh Biên, An Giang, ngay lập tức đăng ký theo học lớp Y sĩ y học cổ truyền của trường khi nhà trường về đây tuyển sinh.

“Là người sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, tôi hiểu không nơi nào có nhiều loại cây thuốc nam như vùng Thất Sơn này. Cây thuốc ở đây nổi tiếng có dược tính tốt, người xứ khác còn về đây tìm thuốc, mình là người tại đây, sao mình không đi học để phát huy tốt hơn nữa nghề y cổ truyền. Quan trọng hơn là khi có nghề, kiến thức mình có thể cứu được nhiều người hơn”- ông Sen nói.

Lớp học với nhiều học viên là cụ ông, cụ bà
Lớp học với nhiều học viên là cụ ông, cụ bà

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Không chỉ có học, cứ mỗi cuối tuần, nhóm học sinh lão niên của trường còn làm bếp ăn từ thiện, bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo hay tham gia các hoạt động nhân ái, hỗ trợ cộng đồng. Với tinh thần “một trái tim yêu thương gửi đi- một nụ cười trở lại”, ngày cuối tuần, khuôn viên trường nhộn nhịp hơn cả ngày thường khi thầy, trò cùng nhau nấu những món đặc sản của quê mình để chia sẻ với nhau và với những người khác.

“Những bữa cơm này là dịp để thầy, trò từ khắp mọi miền đất nước thêm gắn bó khi cùng chia sẻ, trao đổi kiến thức, chuyên môn từ trường học đến thực tế. Hơn ai hết, chính họ sẽ lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, minh chứng việc học không giới hạn bởi tuổi tác. Khi đến đây, nhìn ngắm những lão niên đi học mới ngộ ra rằng, trước nay chúng ta đã tự đặt ra quá nhiều giới hạn cho cuộc sống này”- thầy Trần Văn Thanh - Phó hiệu trưởng nhà trường nói.

Và cũng chính những học trò lão niên đã tạo nên câu chuyện xưa nay hiếm ở ngôi trường vùng ven này. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong khi các trường tri ân thầy cô thì ở trường này thầy cô lại “mừng thọ” học trò. “Thật tiếu lâm, đúng không. Khi tôi về nhà nói với vợ con rằng, trường sẽ tổ chức mừng thọ cho tôi, ai cũng cười bảo tôi nói giỡn. Tới ngày tôi đi dự, họ mới tin là thiệt”- cụ Nghiêm Xuân Tiến, 75 tuổi, ở Tây Ninh nói. Để rồi cái tên gọi “Ngôi trường hạnh phúc” ra đời từ chính câu chuyện mang tính truyền kỳ ấy.

Ngoài những điều mang tính thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, tại “ngôi trường hạnh phúc” còn có những câu chuyện mà khi nghe kể, điều đọng lại không gì khác là sự trân trọng. Câu chuyện về lớp học đặc biệt với 39 học viên ở độ tuổi từ 16-20 có tên gọi riêng “lớp học má Thảo” là một câu chuyện như vậy.

Lớp học toàn nữ sinh với 39 con người là 39 số phận và nghịch cảnh cuộc đời. Tất cả họ đều có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học sớm để đi làm. Nhưng khi sự học được khơi mở, họ đều có chung một khát vọng tột cùng: được đi học. Vì vậy, sau những giờ vất vả mưu sinh ở các nhà xưởng lân cận trường, cuối tuần, 39 con người ấy lại cắp sách đến trường, trở lại với giấc mơ đèn sách từ bàn tay chìa ra của má Thảo (cụ bà Trần Thị Xuân Thảo).

Nói về những bạn học chung lớp đặc biệt của mình, cụ bà Trần Thị Xuân Thảo chỉ nói ngắn gọn: Các cháu ấy đều còn quá trẻ, họ xứng đáng để có được nhiều điều tốt đẹp hơn từ khát vọng học tập của mình. “Khi theo học tại đây, tôi nghe nói rất nhiều em đang làm nữ công nhân nhưng rất ham học nên tôi đứng ra bảo trợ để sau này các em có thể giúp ích cho chính mình, cho gia đình và những người xung quanh. Một người có thể không san sẻ hết nhưng khi có nhiều người góp sức, số người được giúp đỡ sẽ nhiều hơn. Chỉ cần chúng ta cùng nhau lan tỏa lòng nhân, nhiều cuộc đời sẽ được chắp cánh”- bà Thảo tâm sự.

Hiện Trường Trung cấp Tây Sài Gòn đang đào tạo 10 ngành bậc trung cấp, riêng ngành Y sĩ y học cổ truyền có số lượng học sinh nhiều nhất với trên 1.500 người đang theo học và 1.200 người đã tốt nghiệp. Trong số học viên đang theo học có khoảng 60% học viên độ tuổi từ 50 trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.