Trường học đô thị - Dùng dằng giữa qui định và thực tế: Thách thức với Chương trình mới

Trường học đô thị - Dùng dằng giữa qui định và thực tế: Thách thức với Chương trình mới

Đặc biệt, năm học 2020 - 2021, năm đầu thực hiện Chương trình GD phổ thông mới với yêu cầu học 2 buổi/ngày cho lớp 1 là thách thức với những địa phương có điểm nóng về mạng lưới trường lớp.

Quá tải

Theo tính toán của Sở GD&ĐT GD&ĐT TPHCM, để 100% học sinh lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 được học 2 buổi/ngày và ổn định sĩ số 35 học sinh/lớp, TP cần bổ sung thêm hơn 1.000 phòng học. Tuy nhiên, việc xây mới gặp rất nhiều khó khăn. Ở một vài quận, huyện, số học sinh lớp 1 tăng cao nhưng những năm học vừa qua không có trường học mới, thậm chí có quận không phòng học mới nào được đưa vào sử dụng.

Là địa phương có tốc độ tăng dân số cơ học cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học của quận 12 mới chỉ đạt 20%. Năm học 2020 - 2021, quận 12 dự kiến đón gần 11.000 học sinh vào lớp 1, cần hơn 300 phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Trong khi đó, số học sinh học xong lớp 5 trong năm học tới chỉ tương ứng với 122 phòng học; phân bố không đồng đều giữa các phường. Dù quận đã được phê duyệt 5 dự án trường học nhưng đến năm 2020 chưa thể đưa vào sử dụng.

Đơn cử, Trường TH Lê Văn Thọ, ngôi trường có số học sinh đông nhất quận 12 và cả TP với gần 4.700 em/90 lớp học. Sĩ số học sinh bình quân 52 em/lớp. Mỗi năm trường tăng gần 1.000 học sinh lớp 1 nên những năm qua chỉ triển khai dạy học 1 buổi/ngày. Thực hiện Chương trình mới, dạy học 2 buổi/ngày, sĩ số 35 em/lớp theo quy định là điều… quá khó. Trường chỉ tính đến phương án dạy học 6 buổi/tuần cho học sinh.

Tân Phú, cũng là một trong những địa phương có số học sinh tăng nhanh hằng năm. Trung bình học sinh vào lớp 1 của quận từ 9.000 - 10.000 em/năm. Tuy nhiên, theo thông tin từ phòng GD&ĐT, năm học tới chưa có dự án trường tiểu học mới nào được đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc bảo đảm toàn bộ học sinh lớp 1 học theo Chương trình mới trong năm học 2020 - 2021 là lộ trình cần nhiều thời gian để thực hiện.

Tại Hà Nội, sĩ số trung bình là 39 học sinh/lớp, song ở mỗi bậc học và mỗi địa bàn, tỉ lệ này lại có sự khác nhau. Sĩ số bình quân bậc tiểu học tại quận Cầu Giấy là 56; THCS là 50. Tại quận Thanh Xuân, sĩ số bình quân bậc tiểu học là 57; THCS là 46. Các quận Hoàng Mai, Hà Đông đều có tỉ lệ bình quân khoảng 50 học sinh/lớp ở bậc tiểu học.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có 24 trường có trên 50 học sinh/lớp. Trong đó, 6 trường tiểu học ở quận Cầu Giấy và 8 trường tiểu học tại quận Hà Đông. Sĩ số cao nhất tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) là 59 học sinh/lớp.

Sĩ số lớp học: Nơi tăng, nơi giảm

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 (TPHCM) chia sẻ: Phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 học sinh/lớp; Nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ Bảy.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Vĩnh Lộc B) cho hay: Nhà trường có 60 lớp với khoảng 2.200 học sinh nhưng chỉ có 30 phòng học nên học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Thực hiện Chương trình mới, trường phải tính toán phương án dồn lớp lại, tăng sĩ số các khối lớp trên ưu tiên phòng học cho học sinh khối 1. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Quận Thủ Đức, một trong những địa phương chịu áp lực dân số tăng nhanh thời gian vừa qua cũng gặp không ít khó khăn trong triển khai dạy học áp dụng Chương trình mới. Với tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở mức 49%, chắc chắn năm đầu tiên thực hiện, nhiều trường phải tổ chức cho HS học 6 buổi/tuần, hoặc sĩ số các lớp 1 sẽ cao hơn nhiều so với quy định 35 em/lớp.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, với hơn 2.700 trường học và trên 2 triệu học sinh, về cơ bản Hà Nội vẫn đáp ứng đủ chỗ học. Tuy nhiên, tại một số trường còn hiện tượng sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh ở một số địa bàn, dẫn đến việc thiếu trường, lớp học cục bộ.

Xác định việc giảm sĩ số học sinh/lớp là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhà trường để vừa nâng cao chất lượng, bảo đảm quyền lợi của học sinh, tùy theo điều kiện thực tế, các đơn vị đã tích cực thực hiện giải pháp khác nhau. Theo ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), năm học 2019 - 2020, quận cải tạo, xây dựng thêm 6 trường học mới. Vì vậy, sĩ số học sinh bình quân ở bậc tiểu học và THCS trên địa bàn giảm còn 41 học sinh/lớp, trong khi năm học trước lần lượt là 47 và 43 học sinh/lớp.

Còn ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) thông tin: Quận có gần 50% số trường thuộc loại hình tư thục. Do vậy, năm học 2019 - 2020, phòng tăng cường quản lý, giám sát và hỗ trợ các trường này, nhằm giảm sự khác biệt về mọi mặt giữa các loại hình trường, từ đó giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập.

Năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Hà Nội có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm giảm hiện tượng quá tải trường học, trong đó tập trung giải quyết tình trạng học trái tuyến giữa các quận. Sở cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.