Ngôi chùa cổ giữa làng quê
Giữa cái nắng gắt trưa hè, tôi tìm về thôn Lê Lợi, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo thăm chùa Mét. Trải dài bước chân qua chiếc cổng tre đơn sơ, một không gian cổ kính trầm mặc, linh thiêng hiện lên. Sử sách ghi lại, chùa Mét được xây dựng từ thời Trần, do cụ Trần Khắc Trang xây dựng và đặt tên. Khi cụ viên tịch được suy tôn là vị Tổ thứ nhất của chùa.
Vãn cảnh chùa cùng ông Trần Đăng Tám - người trông nom và cũng là cháu 18 đời của cụ Trần Khắc Trang, những câu chuyện về ngôi chùa cổ được lật mở từng trang.
Năm 1407, sau khi thất bại trong cuộc giao chiến với giặc Minh xâm lược, vị tướng trong tôn thất nhà Trần là Trần Khắc Trang được gia đình về khu rừng Mét (Cổ Am) mai danh ẩn tích. Khi ấy khu đất này còn là rừng ngập mặn, cây cối um tùm. Trong thời gian ẩn cư, sinh cơ lập nghiệp ở đây, Trần Khắc Trang đã bỏ kinh phí xây dựng ngôi chùa trên nền đất gia đình ông khai hoang phục hoá, nên ngôi chùa này có tên Nôm là chùa Mét. Sau này, tưởng nhớ công đức mà Trần Khắc Trang đã dày công gây dựng, dân làng đặt khám thờ ông như một Thành hoàng trong chùa để ghi nhớ công ơn.
Chùa trước kia có quy mô khá lớn. Kiến trúc chùa kiểu chữ Nhất gồm hai dãy nhà nối tiếp nhau. Toà phật điện 7 gian, nhà thờ tổ 7 gian. Phía sau các kiến trúc chính này còn có nhà khách và trai phòng 7 gian, trong đó 3 gian trung tâm làm theo lối “chồng diêm nóc các” rất đẹp, kèm thêm năm gian nhà kho rộng rãi. Gác chuông chùa hai tầng cao 12 mét do cụ Hậu Giai người làng Yên Cố tỉnh Thái Bình công đức xây dựng.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm gian nhà kho bị địch dỡ bỏ lấy vật liệu xây bốt Nam Am, nhà khách và trai phòng bị chúng đốt phá, còn gác chuông bị triệt bỏ.
Hiện chùa chỉ còn lại toà Phật điện bảy gian và nhà thờ tổ bảy gian nối liền nhau tạo thành hình chữ nhất. Riêng toà phật điện có bố cục hình chữ “Sơn” hiếm thấy trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ ở nước ta.
Sách “Chùa cổ Hải Phòng” (NXB Hải Phòng, 2014) chép: “Kiến trúc chùa mang phong cách triều Nguyễn… Tòa Điện phật còn khá nguyên vẹn và chắc chắn, ít được trang trí mà chủ yếu là bào trơn đóng bén, đôi chỗ điểm vài đường lá hoa cách điệu. Đặc biệt, có một số bộ câu đối hình lòng máng được chạm khắc ngay trên cột cái rất đẹp. Đây là nét độc đáo trong kiến trúc chùa Mét”. Cũng theo các chuyên gia sử học, chùa Mét có nhiều tượng Phật và đồ thờ quý, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18 - 19 như bộ tượng Tam thế, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng Đức ông, bia hậu Phật… được chạm khắc tinh xảo.
Tại chùa, ngoài hệ thống tượng Phật, Sư tổ còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Đó là hai bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, hai bức đại tự, bốn đôi câu đối đều có niên đại cuối thế kỷ 19; quả chuông đồng lớn được đúc năm 1851, bia đá 1875 (thời Tự Đức) và một số cổ vật khác như khám thờ, đỉnh đồng, nhang án...
Nâng bước thiên tài
Không chỉ là kho tàng về nghệ thuật kiến trúc, tượng pháp, văn hóa và lịch sử, chùa Mét còn được nhắc đến là trường học đầu tiên của cậu bé Nguyễn Văn Đạt, tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Cổ Am nhiều đời nay đã trở thành mảnh đất học sinh ra nhiều hiền tài cống hiến cho dân tộc.
Nhâm nhi chén trà chát tại gian nhà tổ, cụ Trần Đức Thơm (SN 1938) cho biết: Nơi đây thờ 6 pho tượng, trong đó có một pho Bồ Đề Đạt Ma và 5 pho tượng Tổ của chùa. Theo truyền ngôn trong đó có một pho là vị tổ họ Trần tên là Ông Sóc, thầy dạy học của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu con đường học vấn để rồi trở thành nhân tài sáng chói trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 16.
Cụ Thơm kể, theo truyền ngôn của người trong làng, mặc dù được dạy dỗ trong một gia đình có học vấn uyên thâm nhưng từ nhỏ, Văn Đạt vẫn được gửi đi học các nhà Nho nổi tiếng trong vùng. Tại chùa Mét, người thầy đầu tiên của Văn Đạt là sư trụ trì Trần Ông Sóc. Nhà sư vốn là một danh sĩ nhà Lê, văn võ song toàn, vì chán cảnh quan trường nên bỏ đi tu, thời gian còn lại dành để dạy chữ miễn phí cho trẻ em quanh vùng.
“Tòa nhà thờ tổ này là công trình bằng gỗ lim với kiến trúc cổ độc đáo là nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng ngồi học”, cụ Thơm nói.
Sau khi từ quan về ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường qua lại chùa Mét vãn cảnh thiền. Ông không những góp công mà còn vận động khách thập phương công đức tiền của trùng tu chùa, dựng cầu “Tràng Xuân” bằng đá trước cửa chùa. Nay cầu không còn, di tích còn lại là một nhịp cầu bằng đá khắc ba chữ “Tràng Xuân Kiều” vẫn được trân trọng lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay.
Kế thừa và phát huy truyền thông hiếu học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Cổ Am thời nào cũng sản sinh ra nhiều hiền tài cống hiến cho dân tộc.
Theo các cụ bô lão, xã Cổ Am có tới 28 dòng họ. Trong đó, họ Trần và họ Đào là 2 dòng họ lớn nhất, đồng thời cũng là 2 dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất. Cụ tổ của họ Trần là Tiến sĩ Trần Lương Bật, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Thân (năm 1664), từng làm quan tới chức Hữu Thị lang bộ Binh. Rồi như Trần Công Hân, đỗ tiến sĩ năm Quý Sửu (năm 1733) khi mới 32 tuổi. Ông là một trong “tứ hổ Tràng An”, là một trong những người có học vấn uyên thâm bậc nhất thời bấy giờ.
Đến những năm đầu thế kỷ XX, có hai cây bút lừng danh của nhóm Tự lực văn đoàn là văn sĩ Trần Tiêu và nhà văn Khái Hưng cũng là con dân đất Cổ Am. Còn hiện nay, nghệ sĩ Trần Lực và nhiều giáo sư, tiến sĩ tiêu biểu khác cũng được sinh ra tại mảnh đất này…