Trong các đợt rét đậm rét hại, nhờ các biện pháp tích cực ứng phó với thời tiết, tỷ lệ chuyên cần của các trường vùng cao được duy trì. Ảnh: cô và trò Trường THCS Nặm Păm (Mường La, Sơn La) |
Đợt rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 9/1 và dự báo kéo dài hết ngày 14/1; Ở các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, nhiều nơi nhiệt độ đồng loạt giảm mạnh từ 6 - 12 độ; Nhiều vùng núi cao nhiệt độ giảm sâu dưới 3 độ, có lúc đã xuống tới 0 độ C.
Lai Châu: triển khai nhiều biện pháp chống rét cho học sinh
Tại Lai Châu, trong ngày 10 và 11/1 nhiều nơi có nhiệt độ xuống thấp dưới 7 độ, có nơi như vùng cao Dào San, huyện Phong Thổ, tại huyện Sìn Hồ nhiệt độ dưới 3 độ C đến 1 độ C. Toàn tỉnh trong hai ngày qua có 47 trường học các cấp phải cho học sinh nghỉ học tránh rét, với tổng số gần 21.000 học sinh. Các huyện có trường phải cho học sinh nghỉ học là Sìn Hồ, Mường Tè, Tân Uyên, Phong Thổ.
Ông Phạm Xuân Dưỡng – Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT Lai Châu) - cho biết: Từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện căn cứ vào điều kiện thời tiết, nếu nhiệt độ xuống thấp thì cho học sinh nghỉ học tránh rét theo quy định.
Cụ thể nếu mức nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ, phải cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học; dưới 7 độ học sinh THCS nghỉ học tránh rét để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho học sinh; Đồng thời có báo cáo về các cơ quan quản lý giáo dục. Sở đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh phát bản tin thời tiết buổi sáng để các nhà trường cập nhật thông tin thời tiết trong các đợt thời tiết rét cực đoan.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học có các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh: mua sắm máy sưởi hoặc có thể khi cần đốt lửa sưởi ấm cho học sinh; Rà soát, kiểm tra, sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng; hạn chế các hoạt động vui chơi ngoài giờ và hoạt động dạy học ngoại khóa.
Đối với những trường có học sinh ở bán trú, bảo quản thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nấu ăn đủ chế độ dinh dưỡng. Nhất là bộ phận y tế học đường chuẩn bị thuốc phục vụ công tác điều trị các bệnh thường mắc vào mùa đông.
Lào Cai: gần 39.000 học sinh phải nghỉ học tránh rét
Ngày rét, bếp ăn bán trú các trường thực hiện cho học sinh ăn cơm nóng, canh nóng chống rét |
Trong hai ngày 10, 11 và chủ yếu là ngày 11, tỉnh Lào Cai có 82 trường học (Mầm non, Tiểu học, THCS) phải cho học sinh nghỉ học tránh rét. Các huyện có số học sinh phải nghỉ học do rét là: Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Sa Pa.
Theo báo cáo sơ bộ của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có tổng số gần 39.000 học sinh phải nghỉ học tránh rét trong đợt này. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyên cần vẫn được duy trì mức cao ở cấp tiểu học: từ trên 80% - 99%; Riêng bậc học mầm non, tỷ lệ này đạt từ 23 – 96%.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các thời điểm thời tiết rét đậm, rét hại, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai Nguyễn Anh Ninh đã có văn bản chỉ đạo các Phòng GD&ĐT căn cứ điều kiện ở từng trong địa phương, nơi có rét đậm, rét hại, trường hợp không đảm bảo tổ chức các hoạt động dạy – học, Hiệu trưởng trường học cho học sinh nghỉ học và tổ chức dạy học ngay khi thời tiết ấm trở lại. Hướng dẫn học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục nếu không đủ ấm; Không nên hoặc hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Về đời sống bán trú, ông Nguyễn Anh Ninh yêu cầu: các trường kiểm tra thường xuyên phòng ở của học sinh nội trú, bán trú và có biện pháp chống gió lùa; Hướng dẫn học sinh, phụ huynh cách phòng chống rét như: Ăn cơm canh nóng, mặc quần áo ấm, đắp chăn ấm,... kiểm tra và chỉ đạo bếp ăn bán trú quan tâm đảm bảo thức ăn nóng cho học sinh.
Yên Bái: chú trọng nơi ăn, ở tại trường cho học sinh trong ngày rét
Học sinh bán trú sinh hoạt trong khu bán trú trong các ngày rét đậm, rét hại |
Tại Yên Bái, nơi có vùng nhiệt độ giảm sâu có lúc đến 0 độ, ông Nguyễn Anh Ngọc - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: toàn tỉnh có hai huyện là Văn Chấn, Mù Cang Chải đã cho học sinh nghỉ học toàn bộ với tổng số 31 trường học ở bậc học mầm non và cấp tiểu học. Huyện Mù Cang Chải phải cho học sinh nghỉ hai ngày từ 10 - 11/1.
Mặc dù đã có kế hoạch từ đầu năm nhưng trước diễn biến cực đoan của thời tiết gây rét đậm, rét hại, có nơi có băng giá, Sở GD&ĐT Yên Bái vừa có văn bản yêu cầu các Phòng GD&ĐT đặc biệt quan tâm tới các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các trường phổ thông DTNT, phổ thông DTBT, trường có học sinh bán trú để có phương án phòng tránh.
Các đơn vị kiểm tra, rà soát củng cố, sửa chữa, che chắn các phòng học, phòng ở, phòng ăn, các công trình vệ sinh... của nhà trường để có phương án khắc phục, chống rét. Các trường mầm non, phổ thông có tổ chức ăn cho học sinh tại trường tăng cường các biện pháp phù hợp bảo quản thức ăn, nước uống cho học sinh để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy...
Tại nhiều vùng núi cao của tỉnh Sơn La nhiệt độ phổ biến là 7 – 10 độ, có nơi lạnh dưới 7 độ C như huyện Mộc Châu, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT theo dõi thời tiết, nếu có rét đậm, rét hại thì chủ động cho học sinh các nhà trường nghỉ học theo mức nhiệt độ: dưới 10 độ C, cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học; dưới 7 độ C, cho học sinh THCS nghỉ học tránh rét.
Trong những ngày tới, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, sâu và liên tục được tăng cường, từ nay đến hết ngày 14/1 ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 9 - 12 độ C, các tỉnh vùng núi từ 6 - 9 độ C, vùng núi cao dưới 3 độ C.