Ngôi trường khác biệt
Những đứa trẻ tại ngôi trường này lớn lên ở Jerusalem - thành phố trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine, nơi cộng đồng bị chia rẽ sâu sắc. Trường học Max Rayne Hand in Hand là nơi duy nhất ở Jerusalem mà HS Do Thái và Ả-rập được học cùng nhau, dựa trên một chương trình giảng dạy song ngữ và đa văn hóa.
Nhà trường nhận dạy HS từ lớp 1 – 12. Mỗi lớp học có hai giáo viên - một người nói tiếng Ả-rập và người còn lại nói tiếng Do Thái. Ngoài ra, sách giáo khoa cũng được viết theo hai ngôn ngữ. Đặc biệt, trẻ em tại đây sẽ được học môn Lịch sử dưới nhiều góc nhìn khác nhau, không chỉ về bản sắc riêng của dân tộc, mà còn của các bạn cùng lớp.
Quds Ayoub, 12 tuổi (HS lớp 7) cho biết: “Tại ngôi trường này, chúng em được học về những điều chưa từng biết: Thế giới, văn hóa, con người, tôn giáo. Chúng em được làm quen với người mà tưởng chừng sẽ không bao giờ có thể”.
Jerusalem có khoảng 550.000 người Do Thái và 332.000 cư dân Palestine, nhưng rất hiếm khi thấy những người này có bất cứ mối liên hệ nào. Người Palestine sống chủ yếu ở phía Đông tới năm 1967 khi Israel chiếm đóng khu vực này, còn cư dân Do Thái sống chủ yếu ở khu vực phía Tây. “Luôn có một bức tường vô hình và sự ngăn cách lớn”, nữ sinh Rivka Bronner 13 tuổi (đang học lớp 7) chia sẻ.
Chính vì vậy, hệ thống GD tại Jerusalem cũng không thể tránh khỏi sự chia rẽ của xã hội: Dân tộc và nền tảng tôn giáo sẽ quyết định nơi một đứa trẻ theo học, những người bạn chúng làm quen và lịch sử chúng được dạy.
Chia sẻ với truyền thông, ông Arik Saporta, đồng Hiệu trưởng Trường Max Rayne Hand in Hand khẳng định, phải lớn lên trong một môi trường như vậy khiến con người ngày càng xa lánh nhau. “Tôi đã có trải nghiệm thực sự khó khăn và cảm thấy mình hoàn toàn đứng ngoài lề với những gì đang diễn ra ở thế giới ngoài kia, sau khi theo học tại một trường Do Thái và Trường Cao đẳng nghệ thuật - nơi không có HS Ả-rập nào”, ông Arik cho biết. “Khi còn là một đứa trẻ đi dạo quanh phố cổ Jerusalem, tôi sẽ đi như một khách du lịch vì tôi không hề có bạn bè và không biết tiếng Ả-rập”, vị hiệu trưởng nói thêm.
Những cơ sở GD Do Thái và Ả-rập ở Jerusalem có hệ thống GD riêng biệt và chưa từng có tiền lệ đào tạo ngôn ngữ thứ hai trong một trường học. Kể từ năm ngoái, tiếng Ả-rập đã không được coi là ngôn ngữ chính thức tại trường học ở Jerusalem. “Điều này giống như phải sống trong một ngôi nhà nhưng những người ở đó không thể giao tiếp với nhau”, em Quds chia sẻ.
Niềm tin về hòa bình
Tại Trường Max Rayne Hand in Hand, tiếng Do Thái có xu hướng chiếm ưu thế hơn do hầu như không có giáo viên (GV) Do Thái nói tiếng Ả-rập. Tuy nhiên, HS tại đây vẫn dành nhiều thời gian cho việc học thêm ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng được mời học tiếng Ả-rập hoặc tiếng Do Thái.
Nữ sinh Do Thái Rivka tự hào vì biết tiếng Ả-rập và có Quds là một người bạn thân, nhưng em thường xuyên phải đối mặt với sự thù địch từ một số người trong cộng đồng của mình, chỉ vì Rivka theo học tại một trường đa văn hóa. “Rất nhiều người từng nói rằng không thể tiếp tục nói chuyện và làm bạn với em nữa, chỉ vì em học với những bạn Ả-rập. Thậm chí, họ còn có những lời lẽ nguyền rủa cộng đồng người Ả-rập”, Rivka cho biết.
Trước những phản ứng đó, Rivka khẳng định, sẽ thật là thiếu sót lớn nếu em không có một người bạn tuyệt vời như Quds. “Nếu bạn không bao giờ biết về mặt còn lại, bạn sẽ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Em hy vọng một ngày nào đó, mọi người sẽ thay đổi suy nghĩ”, nữ sinh lớp 7 nói thêm.
Thông qua các buổi đối thoại hàng tuần, HS tại Trường Max Rayne Hand in Hand được nói về xung đột và các sự kiện xảy ra, cũng như tranh luận về văn hóa. Bà Engi Wattad, Phó Hiệu trưởng trường nhận định, đó là một cơ hội cho HS và GV hiểu hơn về quan điểm của nhau. Bà Wattad chia sẻ, các cuộc thảo luận như vậy giúp HS cởi mở hơn, thay vì cảm thấy bị hạ thấp danh dự như nhiều người nhận định.
“Cùng tranh luận được coi là sự tôn trọng và mọi người đều có cơ hội để nói lên suy nghĩ của mình. Chúng ta có thể không đồng ý, nhưng vẫn có sự đồng cảm. Chúng ta cần phải sống với nhau, vì chúng ta cùng ở trên một mảnh đất”, nữ sinh Quds chia sẻ.
Nhiều chuyên gia nhận định, phương pháp tiếp cận GD của Trường Max Rayne Hand in Hand vô cùng độc đáo. Mặc dù chỉ có 6 cơ sở nằm ở vùng đất nhạy cảm này, nhưng ngôi trường đặc biệt này đang có kế hoạch phát triển hơn nữa, bằng cách mở thêm nhiều chi nhánh tại các địa điểm, sửa chữa lại các trường hiện tại và tạo ra một trung tâm tài nguyên để chia sẻ kiến thức với các cơ sở GD khác. Phần lớn chi phí của nhà trường có được nhờ nguồn tài trợ từ các nhà từ thiện. Do đó, phụ huynh chỉ phải nộp 1/10 học phí cho trẻ. Bên cạnh đó, khoảng 15% HS trong trường sẽ được nhận học bổng.
Các nhà quản lý trường cũng bày tỏ mong muốn sẽ có sự cân bằng về số lượng HS Do Thái và Ả-rập ở mỗi lớp. Bà Maya Frankforter, một người dân Do Thái, có con trai vừa tốt nghiệp Trường Hand in Hand, cho biết: “Tình hình ở Jerusalem, ở Israel đang trở nên ngày càng bạo lực. Có lẽ điều đó đã khiến mọi người muốn tìm cách khác để nuôi dạy con cái, sau khi nhận thấy những hậu quả của sự chia cắt”.
Đối với hai em Rivka và Quds, Trường Hand in Hand là bằng chứng cho thấy, hòa bình sẽ xuất hiện vào một ngày nào đó. “Em tin rằng, những HS đang được GD tại ngôi trường này là tương lai của hòa bình”, Rivka khẳng định.