Trường học “bình thường mới”

GD&TĐ - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương bắt đầu đón học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Để đảm bảo quyền được đến trường của trẻ, trong công điện gửi sở GD&ĐT các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã lưu ý một số vấn đề. Trong đó, các cơ sở giáo dục cần tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ.

Chỉ sau ngày đầu tiên khi học sinh lớp 7 đến trường học trực tiếp, một trường THCS ở quận trung tâm của Đà Nẵng có 3 lớp học xuất hiện ca F0. Nhà trường thông báo đến từng phụ huynh thông qua tin nhắn về việc chuyển đổi hình thức dạy – học sang trực tuyến, thời khóa biểu không thay đổi. Đồng thời lưu ý phụ huynh nhắc nhở con em chú ý thực hiện 5K. Với những học sinh thuộc diện F1, giáo viên chủ nhiệm sẽ gọi điện riêng, nhờ phụ huynh phối hợp theo dõi và cập nhật tình trạng sức khỏe của các em với nhà trường.

Cách xử lý này đã góp phần giúp phụ huynh và học sinh, nhất là em thuộc diện F0 và F1 bớt đi những lo lắng, căng thẳng. Việc không công khai danh tính trò F0 cùng công tác tư vấn cho học sinh, phụ huynh sẽ tránh được tình trạng kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0.

Để phụ huynh yên tâm cho con em trở lại học trực tiếp, các trường học, trước khi mở cửa đều phải xây dựng kỹ phương án phòng, chống dịch và được cơ quan y tế phê duyệt. Ngoài việc phải có phòng cách ly tạm thời, tăng cường cơ sở vật tư y tế như dung dịch khử khuẩn, khẩu trang dự phòng, thường xuyên vệ sinh các bề mặt tiếp xúc nhiều… một số trường học còn tổ chức test nhanh cho cán bộ, giáo viên và nhân viên. Công khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến phụ huynh trước chính là củng cố thêm niềm tin cho cộng đồng về việc đón học sinh trở lại trường học.

Trong công điện, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý việc tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ, phù hợp với điều kiện của nhà trường và học sinh, tránh gây áp lực, quá tải.

Tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là với học sinh không được học qua truyền hình, chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau khi học sinh được ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức.

Những ngày đầu mở cửa trở lại, các trường học đều chú trọng công tác tư vấn tâm lý, chống sốc cho học sinh. Với những lớp đầu cấp, nhất là những học sinh chưa từng tới trường, giáo viên đều dành thời lượng phù hợp để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho các em. Hoạt động khởi động cho việc học trực tiếp để đưa học sinh dần thích ứng trở lại với không gian học tập truyền thống vốn đã bị đứt đoạn trong hơn nửa năm học do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã góp phần “chống sốc” khi chuyển đổi hình thức học tập.

Chủ trương của ngành GD-ĐT khi mở cửa trường học trở lại là không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới tâm lý, việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Tập trung công tác truyền thông để có sự đồng thuận của phụ huynh, cùng hỗ trợ và phối hợp với nhà trường trong việc quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ