Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có các công văn hướng dẫn các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học, đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp an toàn trong dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên có thể trở lại trường học trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch về công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; Sổ tay phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trường học; đồng thời hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Cần ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, khử khuẩn các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly để đón học sinh trở lại trường; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Các địa phương căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh đến trường trên nguyên tắc nơi nào bảo đảm an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung các tiêu chí, đưa thành quy định về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Về việc triển khai tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học. Hiện một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc xin cho học sinh, như TP. Hồ Chí Minh với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình 32.938 học sinh.