Tuy nhiên, trong khó khăn chung đã ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, nhà trường để ổn định chất lượng, duy trì tiến độ, đưa năm học về “đích” đúng kế hoạch.
Đảm bảo tiến độ về “đích”
Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) đang triển khai dạy học tuần thứ 28 (theo nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT). Việc dạy học sẽ hoàn thành trong tháng 4, đầu tháng 5 triển khai ôn tập bổ sung lại một số kiến thức quan trọng sau đó tiến hành kiểm tra học kỳ II. Như vậy, sau 19/5, trường hoàn thành chương trình, thi cuối kỳ, ôn tập và kết thúc năm học trước 31/5.
Thầy Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Ảnh hưởng của dịch bệnh, 482 học sinh toàn trường phải tạm nghỉ học trong vòng 1 tháng và không thể triển khai dạy học trực tuyến. Giáo viên chỉ giao bài ôn tập nên chất lượng bị ảnh hưởng khá nhiều. Để vừa duy trì tiến độ dạy bài mới và dặm lại kiến thức cũ, trường huy động giáo viên dạy cả thứ 7 hàng tuần, ngày 2 buổi. Song đầu tháng 5 tiến độ đã đảm bảo, việc dạy học sẽ trở lại bình thường.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang), việc dạy và học đang diễn ra ở tuần 32 và dự kiến 30/5 sẽ hoàn thành chương trình. Sau đó, trường triển khai ôn tập đến 20/6 và kết thúc năm học.
Thầy Tạ Văn Kha, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Tổng cộng các đợt nghỉ vì dịch của học sinh khoảng 2 tháng, trường thuộc vùng khó nên điều kiện triển khai dạy học trực tuyến không có. 99% học sinh người dân tộc Mông, ở xa trường nên việc giao bài không hiệu quả. Việc học gián đoạn, chắp vá, học sinh vừa nhớ kiến thức đã nghỉ thì lại quên…
Do đó khi trở lại học trực tiếp từ 20/3, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy học, bù lấp kiến thức. Trường phải tăng cường dạy thêm ngày thứ 7 từ 20/3 tới nay. Hiện tại tiến độ cơ bản đảm bảo song chất lượng giảm so với những năm học trước. Theo thầy Kha, việc bù lấp kiến thức sẽ diễn ra 3 tuần đầu của tháng 6. Nếu chưa ổn, 1 tháng trước khai giảng trường tiếp tục triển khai ôn tập, củng cố nền nếp (đặc biệt với học sinh lớp 1,2) để các em vững vàng bước vào năm học mới.
Cũng là địa phương miền núi phía Bắc song theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái), ngành Giáo dục không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch. Hầu hết các trường tiểu học của tỉnh Yên Bái đang tiến hành kiểm tra cuối học kỳ II. Như vậy, việc kết thúc năm học của giáo dục tiểu học Yên Bái hoàn toàn chủ động và đúng kế hoạch.
Linh hoạt đánh giá và bổ sung kiến thức
Có thể thấy, dù dịch bệnh tác động xong cơ bản các nhà trường đã linh hoạt thích ứng, việc duy trì tiến độ dạy học khá chủ động, đảm bảo thời gian kết thúc năm học. Tuy nhiên, vấn đề bổ sung lại kiến thức cho học sinh học do ảnh hưởng của dịch, linh hoạt kiểm tra đánh giá cuối năm đều được các địa phương, nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng: Ảnh hưởng chung của dịch Covid-19 nên chất lượng dạy học không thể đảm bảo tốt như những năm trước. Do đó, dù hoàn thành chương trình, sở GD&ĐT vẫn yêu cầu các trường rà soát chất lượng học sinh. Với em chưa đảm bảo yêu cầu cần đạt trường phải có kế hoạch phân loại, phụ đạo, bồi dưỡng thêm. Làm sao để kết thúc năm học, số học sinh còn “non” kiến thức phải đáp ứng được yêu trước khi lên lớp.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhấn mạnh: Việc ra đề kiểm tra đánh giá cuối năm học sẽ phải cân nhắc, linh hoạt để phù hợp với sức học của học sinh. Như vậy sẽ không phản ánh được thực tế chất lượng dạy học. Từ đó không phân loại được năng lực học tập của học sinh chính xác để bổ sung.
Tương tự, kết quả kiểm tra giữa kỳ II tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) chỉ có 7 học sinh lớp 4, 5 chưa hoàn thành chương trình ở thời điểm kiểm tra. Theo cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, so với mọi năm số lượng học sinh chưa hoàn thành không nhiều nhưng chất lượng chung chưa cao, thiếu nổi trội, xuất sắc. Mặt khác, tác động của dịch bệnh cũng làm chất lượng dạy học ảnh hưởng. Nên việc đánh giá cuối năm học được nhà trường lưu ý khâu ra đề, chấm, chữa bài… để thấy được kết quả thực chất, từ đó có kế hoạch củng cố bù lấp cho từng đối tượng, khối lớp.
Tại huyện Bắc Hà (Lào Cai), tiến độ dạy học của khối tiểu học đang nhanh hơn năm học trước bởi học kỳ I thực hiện tận dụng thời gian “vàng” bên cạnh dạy học 2 buổi/ngày các ngày trong tuần còn tận dụng cả thứ 7. Hiện chỉ 2-3 trường có tiến độ dạy học bằng chương trình, còn lại nhanh hơn từ 2-4 tuần. Như vậy, việc kết thúc năm học chắc chắn sẽ đảm bảo diễn ra theo kế hoạch năm học.
Để nâng cao chất lượng dạy học, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiến hành kiểm tra học kỳ theo lịch nhưng khi dạy hết chương trình phải rà soát lại số học sinh không được học đầy đủ do dịch. Trên cơ sở đó, các trường có kế hoạch bồi dưỡng riêng cho học sinh này từ nay đến hết năm học.
“Trường hợp bồi dưỡng trước khi kết thúc năm học vẫn chưa đảm bảo thì đến đầu tháng 8 (trước khai giảng) sẽ tiếp tục bổ sung, dặm lại kiến thức để học sinh đảm bảo kiến thức tốt nhất, vững vàng lên lớp...”, ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà thông tin.