Xây dựng kế hoạch để giảm tải nội dung cho học sinh

GD&TĐ - Các trường ở Hà Nội đang triển khai xây dựng kế hoạch giảng dạy mới, nhằm giảm tải chương trình trong thời gian học trực tuyến và ứng phó với dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Việc giảm tải không có nghĩa sẽ cắt hẳn nội dung, học sinh sẽ được ôn tập lại sau khi quay trở lại trường. Ảnh tư liệu: Bảo An
Việc giảm tải không có nghĩa sẽ cắt hẳn nội dung, học sinh sẽ được ôn tập lại sau khi quay trở lại trường. Ảnh tư liệu: Bảo An

Theo cô Nguyễn Thị Hương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mỗ Lao (Hà Đông – Hà Nội), các nhóm bộ môn của nhà trường đang xây dựng lại chương trình giảng dạy. Việc giảm nội dung chương trình trường sẽ áp dụng cho cả năm học.

“Ở phần hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu... trường sẽ không đánh số tiết học. Thay vào đó, chúng tôi kéo dài số tiết học ở những bài khó. Khi xây dựng kế hoạch xong, trường sẽ gửi lên phòng GD&ĐT, sau đó mới triển khai giảng dạy” - cô Hương nói.

Tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (Long Biên – Hà Nội), giáo viên đang xây dựng kế hoạch giảm tải chương trình học, và áp dụng triển khai vào tuần thứ 5 của năm học. “Giảm tải không có nghĩa là bỏ đi, giáo viên sẽ hướng dẫn để học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu ở một số nội dung. Khi đi học trực tiếp, những nội dung cần thiết, học sinh sẽ được bổ trợ để nắm chắc kiến thức”, thầy Nguyễn Phú Cường – Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Cô Nguyễn Thị Loan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Đông – Hà Nội) - cho hay: Trường đã nghiên cứu, xây dựng nội dung học cho phù hợp. Ví dụ: Phần luyện tập, sau khi được giáo viên hướng dẫn, học sinh sẽ tự làm, do đó thời gian của học sinh phải nhìn trên màn hình sẽ được rút ngắn xuống, tránh ảnh hưởng đến thị lực, tâm lý cho các em. Phụ huynh có thể cho con luyện tập, quay video và gửi lại để giáo viên đánh giá, điều chỉnh.

“Trường đã thống nhất các phương án và đưa vào kế hoạch giảng dạy. Mỗi khối, chương trình thường khó ở cuối học kỳ I và đầu học kỳ II. Như lớp 4, môn Toán ở cuối học kỳ I sẽ học về phân số, đây là loại số trừu tượng, học sinh nếu chỉ học qua loa sẽ không thể hiểu được. Vì vậy, sau khi đến trường, các em được ôn tập lại để nắm vững kiến thức”, cô Loan nói.

Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) - cho biết: Phòng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chương trình học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Đặc biệt, đối với lớp 1 và 2 cần nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để thống nhất. Xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt.

Bên cạnh đó, lựa chọn, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Thống nhất việc sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh.

Đồng thời, bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh. Bảo đảm cuối năm học đạt được yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.

Hiện đại hóa B61-12 để làm gì?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, bom hạt nhân B61-12 đã nâng cấp được triển khai đến các căn cứ NATO ở châu Âu từ cuối năm 2022.
Minh họa/INT

Ngộ độc từ bánh mì

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Minh họa/INT.

Cần được cổ vũ, khích lệ

GD&TĐ - Những tối cuối tuần qua (từ ngày 3 - 5/5), khán giả tấp nập tới Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).