Trường học ấm áp và an toàn ngày rét buốt

GD&TĐ - Chăm sóc sức khỏe, duy trì tỉ lệ chuyên cần của HS trong điều kiện dịch bệnh và những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, các trường học triển khai nhiều biện pháp thiết thực, bảo đảm giữ ấm và an toàn cho học trò.

Ngành GD-ĐT Bắc Hà (Lào Cai) đầu tư máy sưởi điện cho các trường MN, tiểu học. Ảnh: NTCC
Ngành GD-ĐT Bắc Hà (Lào Cai) đầu tư máy sưởi điện cho các trường MN, tiểu học. Ảnh: NTCC

Bám sát thời tiết để ứng phó

Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Từ 6/1 tại khu vực xã Thượng Nguyện huyện Bắc Hà, nhiệt độ đã xuống thấp dưới 5 độ. GV không thể triển khai dạy học bởi giá lạnh khiến HS cóng tay không thể viết bài.

Sáng 7/1, theo đề xuất của một số trường nằm trong vùng khí hậu lạnh, nhiệt độ giảm sâu Phòng GD&ĐT đã quyết định cho 917 HS (trong đó 242 HS bán trú) tại 19 điểm trường của 5 trường: Mầm non Lùng Phình; Mầm non Hoàng Thu Phố; Mầm non Thải Giàng Phố; Tiểu học Lùng Lình; THCS Lùng Phình nghỉ học 2 ngày 7 - 8/1.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, nhiều gia đình mong muốn gửi trẻ tại trường bởi điều kiện cơ sở vật chất, chăm sóc, giữ ấm tốt hơn ở nhà. Do đó, nhiều trường MN, tiểu học, vẫn nhận HS đến lớp và bán trú. Không dạy học song tổ chức hoạt động vui chơi, khởi động trong lớp để tăng nhiệt độ cơ thể HS.

Bà Bùi Thị Hải Vân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) thông tin: Sáng 7/1 nhiệt độ tại huyện chưa giảm sâu nên 100% các trường với gần 27.000 HS của 3 cấp học (MN, tiểu học, THCS) vẫn hoạt động bình thường. Các nhà trường đang tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, nếu nhiệt độ giảm mạnh sẽ chủ động báo cáo địa phương và phòng giáo dục để HS được nghỉ.

Theo ông Đỗ Văn Tân – Trưởng phòng GD&ĐT Sa Pa, nhiệt độ tại Sa Pa sáng 7/1 khoảng 7 - 8 độ, chưa tới mức quy định HS được nghỉ song 8 trường tiểu học (8.257 HS), 1 trường THCS cho HS nghỉ học để GV làm tổng kết học kỳ I. Trong những ngày tới hiệu trưởng các trường theo dõi sát thời tiết, nếu giảm sẽ tùy theo nhiệt độ từng tiểu vùng để xem xét cho HS nghỉ học.

Theo ông Nhâm Tiến Đức – Phó phòng GD&ĐT Si Ma Cai nhiệt độ ngày 6/1 là 8 độ, sáng 7/1 tăng lên 10 độ. Hiện, 100% các trường học của huyện Si Ma Cai vẫn duy trì dạy học; Chưa hiệu trưởng trường học nào gửi đề xuất cho HS nghỉ học. Từ đầu mùa đông, tỉ lệ chuyên cần HS toàn huyện ở mức 98 - 99% với bậc MN, tiểu học; THCS trên 96%.

HS tại điểm trường Ngải Phóng Chồ - Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng sưởi ấm bằng củi gia đình mang đến (Si Ma Cai - Lào Cai). Ảnh: NTCC
HS tại điểm trường Ngải Phóng Chồ - Trường PTDTBT Tiểu học Sín Chéng sưởi ấm bằng củi gia đình mang đến (Si Ma Cai - Lào Cai). Ảnh: NTCC 

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

“Từ nguồn ngân sách của huyện, phòng GD&ĐT đã đầu tư cơ sở vật chất để các trường có điều kiện phòng, chống rét cho HS. Hiện nay, các trường MN, tiểu học mỗi lớp có từ 2 - 3 quạt sưởi điện. Bữa ăn bán trú được đựng trong hộp giữ nhiệt. Đa số các trường đã trang bị bình nóng lạnh để cung cấp nước nóng cho HS tắm, vệ sinh hàng ngày. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đầu tư cho các nhà trường để phục vụ công tác phòng chống rét đạt hiệu quả cao nhất”- ông Bùi Văn Tiến chia sẻ.

Si Ma Cai – huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Lào Cai song nằm trong khu vực khí hậu lạnh nên công tác phòng chống rét cho HS vẫn được huyện và phòng GD&ĐT quan tâm tối đa.

Theo ông Nhâm Tiến Đức, các trường bán trú có đủ chăn đệm ấm cho HS. HS bán trú được sử dụng nước nóng trong sinh hoạt hàng ngày; khẩu phần đủ dinh dưỡng và giữ nhiệt. Tại một số điểm trường không có điện hoặc điện yếu không dùng được thiết bị sưởi nhiệt, phụ huynh sẽ góp củi đế sưởi ấm cho HS tại lớp.

Theo thầy Nguyễn Đức Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học –THCS Kỳ Thượng (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long), thời tiết rét đậm, rét hại nhà trường chủ động rà soát, kiểm tra các phòng học, phòng học chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho HS.

Bên cạnh đó, nhà trường bảo đảm đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt; chỗ nghỉ trưa ấm áp cho HS nội trú. Những ngày rét đậm, thầy cô thường xuống các phòng nhắc nhở HS giữ ấm, vệ sinh cá nhân sớm, cung cấp đủ nước ấm cho các em sinh hoạt. 

Thầy cô giáo tại Trường Tiểu học - THCS Đồng Sơn, TP Hạ Long kiểm tra chỗ ăn ngủ của học trò.
Thầy cô giáo tại Trường Tiểu học - THCS Đồng Sơn, TP Hạ Long kiểm tra chỗ ăn ngủ của học trò.

Giữ an toàn trường học

Thầy  Phạm Đức Chính - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đồng Sơn, TP Hạ Long cho hay: Cùng với chống rét, nhà trường chú trọng công tác chống dịch. Mặc dù thuộc vùng núi nhưng mọi công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được nhà trường triển khai nghiêm túc.

Nhà trường tuyên truyền cho cán bộ GV, HS, phụ huynh biết và phòng chống. Sau đợt nghỉ dài vì dịch, khi HS đi học trở lại nhà trường tổ chức cho HS, GV ở nội trú.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường có 492 HS trong đó có 150 em ở nội trú. Công tác phòng dịch, theo dõi sức khỏe của HS và cán bộ GV trong trường luôn sát sao. Trường yêu cầu cán bộ GV không đi đến vùng có dịch, thực hiện kê khai y tế, lập sổ theo dõi sức khỏe, tổ chức khử khuẩn, thực hiện tốt thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đồng Lâm 2 (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) có 213 HS trong đó có 137 HS tiểu học, 76 HS bậc THCS. Với đặc thù là trường học vùng núi có nhiều khó khăn, điểm trường lẻ nằm cách xa khu trung tâm nên nhà trường vừa duy trì HS bán trú, vừa có HS nội trú.

Thầy Vũ Hoàng Luân - Hiệu trưởng nhà trường trao đổi: Mỗi ngày HS đều được đo và theo dõi thân nhiệt. Phụ huynh, HS, GV và khách đến trường đều đeo khẩu trang, thực hiện phòng dịch nghiêm túc. Khi có thông tin ca dương tính với Covid-19 tại TP Hạ Long, nhà trường đã tuyên truyền tới GV, HS và phụ huynh. GV trong trường chủ động khai báo y tế và sàng lọc HS. Hiện, nhà trường không có trường hợp nào tiếp xúc hoặc có liên quan đến trường hợp mắc dịch bệnh.

Phòng GD&ĐT cho phép 1 số trường vùng lạnh đổi giờ học từ 7 giờ 30 thành 8 giờ. Không triển khai hoạt động giáo dục ngoài trời, chỉ học trong lớp. Khi nhiệt độ giảm mạnh, HS nghỉ học nhưng vẫn giữ tại trường để tránh đi lại trong thời tiết giá rét. Mặt khác, cơ sở vật chất giữ ấm cho HS tại các nhà trường tốt hơn tại nhiều gia đình. - Ông Nhâm Tiến Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ