Trường giúp trường nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Bằng nhiều hoạt động khác nhau, các trường ở Hà Nội tiếp tục tương trợ về chuyên môn, quản lý để cùng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong tiết chuyên đề Ngữ văn cấp thành phố. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh Trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm trong tiết chuyên đề Ngữ văn cấp thành phố. Ảnh: Đình Tuệ

Mô hình hay

Thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện - đồng nghĩa phòng GD&ĐT quận/huyện sẽ không còn nhưng các trường vẫn tiếp tục triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tiến tới thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương.

Chia sẻ về điều này, bà Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai) nhấn mạnh, đây là mô hình thiết thực được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội phát động để tăng cường giao lưu, kết nối giữa các nhà trường ở từng cấp học. Hưởng ứng phong trào này, nhà trường phối hợp với Trường Mầm non Cao Thành và Trường Mầm non Hòa Nam của huyện Ứng Hòa tổ chức nhiều buổi trao đổi chuyên môn.

“Chúng tôi cùng nhau trao đổi về công tác đón chuẩn quốc gia, đổi mới hình thức tổ chức họp phụ huynh học sinh, vấn đề xã hội hóa trong trường học, các giải pháp để làm tốt công tác phối hợp các đoàn thể trong kiểm định chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục có các hoạt động tương tự để qua đó tạo cho giáo viên có sự gắn kết, yêu thương, sáng mãi lòng yêu nghề, tận tâm, nhiệt huyết và yêu trẻ”, Hiệu trưởng Trương Thị Ngọc Bích nói.

Còn theo thông tin từ bà Khuất Thị Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Thành (huyện Ứng Hòa), qua giao lưu với các trường bạn, đơn vị cố gắng đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường trải nghiệm, hoạt động tập thể giúp trẻ có thêm kỹ năng sống, từ đó hình thành hành vi văn hóa, văn minh phù hợp. Đồng thời ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến vào dạy trẻ một cách hiệu quả.

Ở cấp tiểu học, bà Lê Anh Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa) cho hay, nhà trường kết nghĩa với Trường Tiểu học Phù Linh (huyện Sóc Sơn) và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi chuyên môn hữu ích cho cán bộ, giáo viên hai đơn vị. Học kỳ I vừa qua, giờ dạy chuyên đề cấp thành phố “Cách mạng tháng Tám năm 1945” môn Lịch sử và Địa lý lớp 5 do cô Nguyễn Thanh Thủy đến từ Trường Tiểu học Đống Đa đứng lớp đã diễn ra thành công.

“Thời gian tới cho dù thành phố thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những hoạt động hỗ trợ chuyên môn cho trường bạn. Mỗi đơn vị đều có những thế mạnh riêng, nhưng biết phát huy những sở trường và khắc phục những hạn chế để cùng nhau phát triển mới là điều đáng trân quý”, bà Lê Anh Vân khẳng định.

Là đơn vị thuộc tốp đầu của ngành Giáo dục quận Đống Đa, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho hay, thời gian qua, nhà trường tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động với Trường THCS Minh Trí (huyện Sóc Sơn) để nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này được lãnh đạo phòng GD&ĐT hai địa phương thống nhất cao để triển khai ở các nhà trường.

Bản thân ông Cường cũng tích cực chia sẻ về chuyên môn Toán với nhiều địa phương khác như: Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý và ôn tập thi vào lớp 10 tới cán bộ quản lý, giáo viên cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán huyện Sóc Sơn năm học 2023 - 2024; trực tiếp tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy môn Toán và định hướng ôn tập thi vào lớp 10 tới toàn bộ giáo viên Toán của huyện Sóc Sơn năm học 2024 - 2025.

truong-giup-truong-nang-cao-chat-luong-1.jpg
Đại diện ba Trường Mầm non: 10-10, Hòa Nam và Cao Thành cam kết tương trợ lẫn nhau về chuyên môn. Ảnh: Đình Tuệ

Học hỏi từ điều nhỏ nhất

Từ thực tiễn công tác và làm quản lý nhiều năm, nhà giáo Đoàn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội mang thông điệp rõ ràng để giúp các nhà trường biết phát huy những lợi thế, học hỏi từ điều nhỏ nhất, khắc phục khó khăn bằng sự tương trợ của các trường kết nghĩa.

Giai đoạn vừa qua, nhà trường phối hợp, trao đổi về chuyên môn với Trường THCS Vân Canh (huyện Hoài Đức); Trường THCS Cổ Nhuế 1, Trường THCS Phú Diễn thuộc quận Bắc Từ Liêm; Trường THCS Hồng Hà, Trường THCS Tô Hiến Thành của huyện Đan Phượng. Đồng thời tổ chức thành công chuyên đề Ngữ văn cấp thành phố với sự tham gia của giáo viên cốt cán của nhiều trường về dự.

“Thời gian tới, chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tế để lên kế hoạch tiếp tục triển khai những hoạt động tương trợ chuyên môn cho các trường bạn có nhu cầu. Quan điểm của nhà trường là cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, tất cả vì quyền lợi của học sinh”, bà Đoàn Thị Thanh Hương nhấn mạnh thêm.

Kết nghĩa với Trường THCS Phú Cát (huyện Quốc Oai), theo bà Phạm Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), nhà trường đã thực hiện nhiều chuyên đề phong phú, đa dạng ở các bộ môn để hỗ trợ trường bạn. Trong đó có các chuyên đề: Trao đổi kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10; Tiếp cận văn bản truyện Khoa học viễn tưởng; Tiếng Anh hội nhập; Em yêu lịch sử Việt Nam; Trải nghiệm Khoa học; Phát huy năng lực học sinh qua dạy văn bản nghị luận.

“Chúng tôi cũng kết nối tổ trưởng, nhóm trưởng, giáo viên để hai bên cùng chia sẻ học liệu, tài liệu kiểm tra, đánh giá. Hai trường chủ động, tích cực phối kết hợp để các hoạt động đạt hiệu quả, chất lượng. Giáo viên tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm với tinh thần cầu thị, học hỏi. Hình thức, phương pháp tổ chức đa dạng, phong phú. Muốn vậy, phải lựa chọn môn học, hoạt động sinh hoạt chuyên môn phù hợp, kết hợp trực tiếp - trực tuyến”, bà Phạm Thu Hà nhấn mạnh.

Phong trào này sẽ thu hẹp dần khoảng cách giáo dục giữa các địa phương ở Thủ đô. Đồng thời, phong trào giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; huy động sự tham gia của phụ huynh, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và hiệu quả; tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đồng đều và xây dựng nền giáo dục nhân văn, hiện đại. - Ông Nguyễn Cao Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Shotel đặc trưng bởi lưỡi hình bán nguyệt. Ảnh: Ancient-origins.net

Kiếm 'tán gái' Shotel

GD&TĐ - Khám phá khảo cổ chỉ ra, Shotel có mặt từ muộn nhất là thế kỷ X trước Công nguyên, trong nền văn minh Damotian.