Trường điển hình đổi mới: Tiền đề triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Từ năm 2017, TP Cần Thơ triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”.

“Trường điển hình đổi mới” là các đơn vị đi đầu về chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất.
“Trường điển hình đổi mới” là các đơn vị đi đầu về chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất.

Các trường thực hiện mô hình này có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, tiên phong về mọi mặt để sẵn sàng đáp ứng Chương trình GDPT mới. 

Chuyển biến tích cực 

Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sau 4 năm triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”, thành phố có 53 trường từ mầm non đến THPT tham gia. Tuy chỉ mới triển khai ở một số trường nhưng mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, có tính lan tỏa rộng rãi và bước đột phá chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục. 

Các trường được chọn thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới” đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của trường và địa phương, góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên các trường đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trách nhiệm, thái độ làm việc tốt. 

Tính chủ động của đội ngũ có sự thay đổi rõ rệt. Phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dạy học ngày càng đi vào chiều sâu, tạo hứng thú cho học sinh, đồng thuận từ cha mẹ học sinh. Hoạt động của tổ/nhóm chuyên môn, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm dần đi vào nền nếp. Năng lực dạy học, đặc biệt là kỹ năng tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của cán bộ quản lý, giáo viên ngày càng được nâng lên.

Cô Lam Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Tham gia mô hình “Trường điển hình đổi mới” từ năm 2018, sau 3 năm thực hiện đạt được kết quả khả quan. Không chỉ thay đổi trong phương pháp, hoạt động giảng dạy của giáo viên, các hoạt động trải nghiệm và học tập của học sinh cũng chuyển biến theo hướng tích cực. Nhà trường đã mạnh dạn đưa học sinh đi học, tham quan thực tế tại các khu di tích lịch sử. Qua đó, các em được học tập, tìm hiểu thực tiễn góp phần giáo dục đạo đức, nâng cao chất lượng học tập.

Các trường ở TP Cần Thơ còn chú trọng công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh. GV thực hiện các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá phù hợp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học cho học sinh...

Theo thầy Nguyễn Hữu Chí, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, nhà trường chỉ đạo mỗi tổ/bộ môn xây dựng ít nhất 2 chủ đề dạy học. Khi dạy học theo chủ đề, có thể tổ chức thành hội thi, hội diễn. GV đánh giá học sinh qua các hội thi, hội diễn như “Phiên tòa giả định”; Hội diễn “Văn học với đời sống” thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.

Đánh giá mô hình “Trường điển hình đổi mới”, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho rằng: Kết quả rõ nhất ở chất lượng giáo dục thông qua sự thay đổi từ cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên, nhận thức của các cấp quản lý, đặc biệt là sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và nhà trường. 

“Sau 4 năm, cấp học mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận đạt kết quả vượt trội so với các đơn vị khác. Nổi bật là chất lượng chăm sóc, giáo dục, nhận thức, phẩm chất, năng lực học sinh. Học lực, hạnh kiểm của HS tại các trường tham gia mô hình “Trường điển hình đổi mới” đều đạt và vượt chỉ tiêu so với thời điểm chưa tham gia”, bà Phương cho biết.

Bà Trần Hồng Thắm (phải), Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiểm tra “Trường điển hình đổi mới” tại quận Bình Thủy.
Bà Trần Hồng Thắm (phải), Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiểm tra “Trường điển hình đổi mới” tại quận Bình Thủy. 

Bước đệm vững chắc cho Chương trình GDPT mới

Cũng theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mô hình “Trường điển hình đổi mới” được hình thành với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT. Giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Thành phố phấn đấu, thời gian tới, các trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn đều đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương.

Với mục tiêu làm nền tảng cho Chương trình GDPT mới, mô hình “Trường điển hình đổi mới” chú trọng đổi mới về phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng được tập huấn, bồi dưỡng bằng những phương pháp mới. Nhờ đó, khi triển khai chương trình mới, đội ngũ không bị bỡ ngỡ.

“Trường điển hình đổi mới” từng bước được trang bị phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Điều này giúp nội dung giáo dục buổi học thứ nhất và thứ hai được xây dựng và tổ chức thực hiện linh hoạt. Đặc biệt, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, năng lực, sở trường học sinh ở buổi thứ hai.

“Từ hiệu quả đạt được, phòng GD&ĐT đánh giá cao công tác chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, SGK. Từ mô hình này, phòng sẽ nhân rộng và đầu tư hơn nữa, đặc biệt là cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin. Qua đó gắn kết mô hình với Chương trình GDPT mới, giúp các trường đủ điều kiện hơn, đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình trong hướng phát triển giáo dục của quận”, bà Nguyễn Kiều Phương chia sẻ.

Sở sẽ có chỉ đạo cụ thể, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cần thiết và phù hợp hơn. Đồng thời TP tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng những hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua đến các trường còn lại, để các nội dung thực hiện “Trường điển hình đổi mới” phù hợp với lớp học, cấp học, làm nền tảng vững chắc trong triển khai, thực hiện Chương trình GDPT mới. - Bà Trần Hồng Thắm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ