Tại hội thảo, đại diện các trường ĐH của Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ, trao đổi những lý thuyết quản trị mới, những kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp từ Nhật Bản và Việt Nam. Qua đó, đúc kết và truyền đạt những mô hình quản trị doanh nghiệp tối ưu đến với cộng đồng doanh nghiệp trong thời đại mới.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, Nhật Bản trỗi dậy thành cường quốc kinh tế thứ 2 và thứ 3 thế giới từ đống tro tàn sau Thế chiến II với bao khó khăn và thiên tai, động đất...
Có được thành quả này, Nhật Bản đã không ngừng học hỏi, xây dựng cho mình phương thức quản trị kinh doanh mang đặc trưng riêng, phù hợp với con người và văn hóa Nhật Bản. Tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như cách thức quản lý con người trong quản trị doanh nghiệp Nhật Bản luôn là mục tiêu hướng tới của các nhà quản trị doanh nghiệp trên toàn cầu.
Các thuật ngữ ‘monozukuri”, “kaizen”, “TPS –Toyota Production System”, “5S”, “muda” “JIT”… đã trở nên quen thuộc và phổ biến đối với phạm trù quản lý, quản trị doanh nghiệp ngày nay trên toàn thế giới.
Hơn thế nữa, triết lý “hoàn thiện con người trước khi hoàn thiện sản phẩm” đã taọ nên sự khác biệt của phương thức quản trị Nhật Bản. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi và tinh thần nhân văn sâu sắc thu hút nhiều quốc gia Á đông học tập Nhật Bản. Việt Nam không là ngoại lệ.
Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về hợp tác kinh doanh Việt Nam – Nhật Bản. |
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam Nhật Bản đã được nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện rõ nét trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ ba. Trong hoạt động đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư FDI lớn nhất ở Việt Nam.
Thực tế này đã và đang tạo thêm nhiều cơ hội cũng như thách thức trong phát triển kinh doanh, đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Với triết lý kinh doanh bền vững và những ưu việt trong phương thức quản trị Nhật Bản, sự hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả kinh doanh của mình để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị chung.
Là trường đại học có bề dày kinh nghiệm trong hợp tác với Nhật Bản thông qua các đối tác là các tổ chức kinh tế, tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, theo PGS Trần Anh Tuấn, Trường ĐH Ngoại thương còn có sứ mệnh đặc biệt trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực kinh doanh với quốc gia này.
Dự án hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam – Nhật Bản của Viện Phát triển Nguồn Nhân lực (VJCC) đã và đang hỗ trợ tích cực cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản tiếp cận phương thức quản lý, kinh doanh theo phong cách Nhật Bản dưới sự hợp tác, hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo đó, các chương trình đào tạo, tư vấn, kết nối kinh doanh cũng như giao lưu văn hóa luôn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phát triển kinh doanh bền vững giữa hai quốc gia.