Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) kỷ niệm 65 năm ngày thành lập

GD&TĐ - Ngày 30/4, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)

Tại buổi lễ, PGS.TS Lê Anh Phương ôn lại, cách đây hơn 65 năm, ngày 1/3/1957, Viện Đại học Huế, cơ sở giáo dục đại học công lập thứ 2 tại miền Nam Việt Nam được thành lập - Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, tiền thân của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) ngày nay là một trong số các đơn vị trực thuộc. Ngày 21/8/1958, Chi nhánh Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Huế được cải tổ thành Trường ĐH Sư phạm từ năm học 1958-1959.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, chính quyền Cách mạng đã kịp thời tiếp quản Viện Đại học Huế và Trường ĐH Sư phạm. Nhiệm vụ chủ yếu của Trường là duy trì việc dạy và học một cách bình thường.

Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định số 476/QĐ-TTg về một số vấn đề cấp bách trong mạng lưới các trường đại học. Theo Quyết định này, Trường ĐH Sư phạm Huế được thành lập và chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục.

Ngày 4/4/1994, Đại học Huế được thành lập, Trường Đại học Sư phạm trở thành trường thành viên. Từ đó đến nay, sự phát triển của Trường gắn liền với sự lớn mạnh của Đại học Huế.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có nhiều thành tích trong đào tạo, nghiên cứu khoa học
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) có nhiều thành tích trong đào tạo, nghiên cứu khoa học

Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả mà các thế hệ thầy và trò của Nhà trường đã đạt được. Từ chỗ phải sử dụng chung giảng đường, phòng học với Trường ĐH Khoa học và Trường ĐH Văn khoa ở Khách sạn Morin; đến nay, Trường đã có hệ thống phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Từ chỗ chỉ đào tạo trình độ đại học với 60 sinh viên trúng tuyển trong khóa tuyển sinh đầu tiên; đến nay, Trường đang đào tạo 29 chương trình trình độ đại học, 30 ngành đào tạo thạc sĩ và 12 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Quy mô đào tạo của Trường trung bình 6.000 sinh viên chính quy, 10.000 sinh viên không chính quy, 1.800 học viên cao học và 70 nghiên cứu sinh. Trường đã 2 lần được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học; 6 chương trình đào tạo đại học đã được kiểm định và công nhận đạt chuẩn chất lượng.

Từ chỗ chủ yếu đào tạo sinh viên các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đến nay, địa bàn đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã phủ hầu khắp cả nước, từ trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng cho đến miền Tây Nam Bộ.

Không dừng lại ở đó, Trường còn mạnh dạn vươn mình ra thế giới bằng các chương trình liên kết, trao đổi sinh viên, giảng viên với các cơ sở giáo dục đại học của  Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào…

PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phát biểu tại buổi lễ
PGS.TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) phát biểu tại buổi lễ

Hiện, trường đã có 360 viên chức, người lao động; trong đó có 230 giảng viên (với 3 giáo sư, 47 phó giáo sư, 103 tiến sĩ). Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 65,61%, Tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học trên 98%.

Trong 65 năm qua, hơn 7 vạn cử nhân, hàng chục ngàn thạc sĩ, tiến sĩ đã từ giảng đường Sư phạm Huế tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc để thực hiện sứ mệnh trồng người thầm lặng nhưng rất đỗi thiêng liêng.

Không ít sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học và rất nhiều người trong số đó đã ghi danh mình cùng với mái trường Sư phạm Huế thân yêu trên bản đồ khoa học của thế giới và Việt Nam.

Nhiều người trở thành các chính trị gia, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp có uy tín, vị thế lớn. Ở đâu họ cũng tỏa sáng và luôn là niềm tự hào của Trường đại học sư phạm Huế, những con người ra đi từ mái nhà sư phạm. 

Hướng tới 5 năm tiếp theo sau, kỷ niệm 70 năm thành lập trường, chúng ta sẽ xây dựng một Trường ĐH sư phạm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với mô hình quản trị tiên tiến, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển giáo dục  nước nhà.

Ghi nhận và đánh giá cao các thế hệ thầy – trò Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) trong 65 năm qua, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - khẳng định: UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, giúp nhà trường hoàn thành mục tiêu đó.

Trước mắt, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch cơ sở 2 của trường tại khu vực Trường Bia, đầy đủ cơ sở vật chất  khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để trường hoàn thiện hệ thống cơ sở thực hành sư phạm từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Tỉnh sẽ chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

“Với tư cách là một cựu sinh viên của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), tôi muốn nói rằng, chúng ta có quyền tự hào vì được học tập dưới mái trường có bề dày truyền thống này. Những năm tháng trên giảng đường luôn để lại trong tôi những kỷ niệm không quên; đã trang bị cho tôi hành trang kiến thức để tôi có thể cống hiến cho tỉnh nhà trong thời gian công tác suốt chặng đường đã qua” - ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.