Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên): Tiệm cận đến bình đẳng giới

GD&TĐ - Cuối năm 2018, các nữ SV, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) xúng xính những bộ quần áo dân tộc đẹp nhất mừng sự kiện ra mắt CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển. PGS.TS Trần Văn Điền - Hiệu trưởng nhà trường - bày tỏ: Từ khi lãnh đạo, giảng viên nhà trường tham gia các khóa học của Chương trình “Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực” (Aus4Skills), các hoạt động của nhà trường đã có sự thay đổi căn cơ. Sự kiện ra mắt CLB chính là sự tiếp nối của những đổi mới đó.

Ra mắt CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)
Ra mắt CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)

Tại sao chị em không “mặn mà” làm lãnh đạo?

TS Phan Thị Thu Hằng hiện là Giám đốc Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội – Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Trở về sau Khóa ngắn hạn của Chương trình Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, chị Thu Hằng đã thực hiện dự án cá nhân “Rà soát, đánh giá các chính sách thúc đẩy phụ nữ lãnh đạo của Trường ĐH Nông Lâm”. Theo chị Hằng, về mặt tinh thần, tất cả các lãnh đạo nam lúc nào cũng ủng hộ chị em phụ nữ. Chị em đề xuất gì đều được Ban giám hiệu ủng hộ, tư vấn trợ giúp rất nhiều.

Nhưng trên thực tế, tỷ lệ chị em nữ làm lãnh đạo khá thấp so với tổng số cán bộ nữ và thấp hơn so với tỷ lệ nam giới làm lãnh đạo: Có 4 người là nữ trong Đảng ủy trên tổng số 15 người; cấp khoa cấp phòng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 20% mặc dù tỷ lệ nam nữ là 50 – 50. Trong quy hoạch 2021 – 2026, chỉ có 88 người nữ trong tổng số trên 234 người, nghĩa là nữ quy hoạch là 1/3, trong khi đó nam là 2/3.

TS Phan Thị Thu Hằng

Đi tìm nguyên nhân, chị Thu Hằng nhận thấy lãnh đạo rất tạo điều kiện cho chị em, tỷ lệ nữ đạt trình độ TS gần tương đương với nam. Nhưng rào cản lại đến từ chị em khi không mạnh dạn để nhận nhiệm vụ lãnh đạo, một phần vì nghĩ đến trách nhiệm gia đình, phần khác là không tự tin.

Câu chuyện vị trí lãnh đạo của chị Thu Hằng thể hiện rõ sự tự ti của phái yếu này. Khi được lãnh đạo giao làm Giám đốc trung tâm, chị Thu Hằng xin phép được suy nghĩ trong 1 tuần, để rồi sau đó từ chối vì sợ năng lực chưa đủ. Chị Thu Hằng vẫn luôn nghĩ làm chức “trưởng” thì nam hợp hơn nữ. Quan niệm từ đầu như thế nên bao năm chị Thu Hằng vẫn bằng lòng với vị trí làm phó từ năm 2003 - 2014. Lãnh đạo nhà trường động viên mãi chị mới dám thử sức nhận nhiệm vụ. Bốn năm làm Giám đốc trung tâm, chị Thu Hằng hoàn thành nhiệm vụ rất tốt. Thỉnh thoảng, lãnh đạo nhà trường lại đùa vui: “Đấy, lúc trước bảo làm mãi không nhận. Em thấy em làm tốt đúng không. Cứ như thế mà phát huy!”.

Khi chị em tự tin làm thủ lĩnh

Dự án của chị Thu Hằng tiến hành khảo sát đánh giá về nhận thức việc tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên của nhà trường. Kết quả thu về cho thấy, mọi người đều cho rằng trường đã thực hiện rất tốt. Cuối cùng toàn bộ phiếu khảo sát của chị Hằng không sử dụng được vì tất cả mọi người đều tán thành các tiêu chí. Chị Hằng nhận ra bản thân chị em luôn thỏa mãn, bằng lòng với những gì mình có và không có ý chí vươn lên các vị trí lãnh đạo.

Chuyển hướng khảo sát, chị Thu Hằng lấy ý kiến từ nam giới, thấy được nguyện vọng của các anh luôn ủng hộ, chia sẻ với chị em, mong muốn chị em mạnh mẽ và luôn tự tin mình sẽ làm được. Nếu chị em làm được thì nam giới sẵn sàng bầu chọn chị em vào những vị trí lãnh đạo cấp cao.

 

Tìm hiểu thực trạng ở Việt Nam và Australia, tôi luôn tự hào rằng đơn vị nơi mình công tác đã tiệm cận đến sự bình đẳng giới. Vui hơn nữa khi về trường triển khai các nội dung dự án được mọi người rất ủng hộ, từ Ban giám hiệu đến các đồng nghiệp. Đó là niềm vui chung, tạo động lực cho chúng tôi hướng đến bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục ĐH.

 
TS Phan Thị Thu Hằng

Trên cơ sở kết quả khảo sát, chị Thu Hằng và các đồng nghiệp tổ chức hai hội thảo dành cho SV về bình đẳng giới trong tình yêu hôn nhân và hạnh phúc gia đình và một hội thảo chủ đề Nâng cao vị thế phụ nữ trong trường ĐH. Điều khiến chị Thu Hằng và các nữ cán bộ, giảng viên trong nhà trường phấn khởi nhất chính là thời khắc tổ chức ký cam kết chung tay hỗ trợ phụ nữ phát triển. Các anh nam giới đã bày tỏ sự nhiệt tình, chung tay vì sự phát triển của phụ nữ Trường ĐH Nông Lâm.

Sau một thời gian triển khai dự án, chị Thu Hằng rất vui mừng khi nhìn thấy những chuyển biến rõ nét về việc hỗ trợ phụ nữ phát triển trong đơn vị. Mọi năm tỷ lệ đi học tiến sĩ nước ngoài rất ít, trong 30 người học tiến sĩ ở nước ngoài thì chỉ có 2 nghiên cứu sinh nữ, còn lại chọn phương án dễ dàng hơn là học trong nước, vừa làm vừa học. Riêng năm 2018, đã có gần 10 nữ giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Có vài trường hợp muốn đi học nhưng vì điều kiện gia đình, chị Thu Hằng và các đồng nghiệp đã động viên, khuyến khích, chung tay tháo gỡ khó khăn để chị em yên tâm học tập. Đây là một tín hiệu cho thấy chị em đã mạnh dạn, tự tin, vượt lên định kiến giới để nâng cao trình độ.

Các nữ sinh viên dân tộc thiểu số rất phấn khởi được tham gia vào các hoạt động của CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển
 Các nữ sinh viên dân tộc thiểu số rất phấn khởi được tham gia vào các hoạt động của CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển

Trước kia, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của trường có chị Thu Hằng và một đồng chí Phó Hiệu trưởng làm Trưởng ban, giờ đã có thêm 2 người nữ nữa tham gia, khiến tiếng nói của ban và các hoạt động tốt hơn. Tháng 10/2018, Trường ĐH Nông Lâm vui mừng ra mắt CLB hỗ trợ phụ nữ phát triển. Hiện các thành viên hạt nhân của CLB là các cán bộ, giảng viên của nhà trường từng tham gia Khóa học bổng ngắn hạn Chương trình Học bổng Chính phủ Australia “Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo” với mục tiêu Đoàn kết – Hợp tác cùng nhau phát triển.

Chị Thu Hằng rất tự tin cho rằng bước đầu, chị và các đồng nghiệp đã thành công khi được triển khai những gì đã học cùng chuyên gia Australia vào thực tế nhà trường. Để đi đâu cũng tự hào giới thiệu về Trường ĐH Nông Lâm – ngôi trường không có bất bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác lãnh đạo. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ