Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

GD&TĐ - Ngày 9/3 Trường ĐH Luật Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nói: “Ngoài Hiến pháp thì Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn, từ khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh đến các vùng có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Bởi lẽ, đất đai không chỉ là nguồn lực sản xuất đảm bảo sinh kế cho hơn 70% dân số Việt Nam mà còn là nơi sinh đóng trụ sở, nơi sinh sống, nơi lao động sản xuất, là quê hương nơi gắn bó máu thịt với mỗi con người, tổ chức chúng ta.

Do đó, đất đai nói chung và lĩnh vực pháp luật đất đai nói riêng luôn được đặc biệt quan tâm chú ý, đồng thời tác động của đất đai, chính sách, pháp luật đất đai đến chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội cũng vô cùng mạnh mẽ.

Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Việc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hôm nay chính là sinh hoạt học thuật để thực hiện chủ trương này”.

TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật phát biểu.

TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật phát biểu.

Cũng tại Hội thảo này, PGS. TS Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân và huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp trong xã hội, từ đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai.

Cũng như nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ngoài việc lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày, việc lấy ý kiến cần được tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.

Đây đều là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua, đồng thời dự thảo cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới. Theo đó, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh như mong muốn của Đảng và Nhà nước.

Hội thảo lần này nhận được hơn 40 lượt đăng ký viết bài, sau khi thẩm định có 32 bài đạt yêu cầu để đưa vào kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 22 bài của tác giả ngoài Trường ở các cơ quan đơn vị khác nhau trên cả nước.

Các báo cáo đều tập trung vào góp ý trực tiếp cho các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có lập luận khoa học cùng nhiều giải pháp có giá trị tham khảo đối với Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan lập pháp và các cơ quan liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ