Đó là thông tin được trao đổi tại buổi làm việc cuối cùng ngày 12/12 của đoàn công tác Trường ĐH Luật Hà Nội tại Hoa Kỳ do TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn.
Theo đó, trong ngày làm việc cuối cùng này, đoàn công tác của Trường ĐH Luật Hà Nội đã thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead, ĐH Columbia, New York, Hoa Kỳ.
Tại buổi làm việc, đại diện của ĐH Columbia đã giới thiệu tóm tắt những phương diện hoạt động chính của Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead.
Viện cũng là đầu mối kết nối hoạt động hợp tác giảng dạy, nghiên cứu mang tính liên ngành giữa các trường, khoa, viện nghiên cứu của ĐH Columbia trong đó có Trường Luật ĐH Columbia (nằm trong top 10 trường luật hàng đầu thế giới và có các Trung tâm pháp luật Nhật Bản, Trung tâm pháp luật Trung Quốc và Trung tâm pháp luật Hàn Quốc) với các đối tác nước ngoài.
Các chương trình hoạt động của Viện Weatherhead đa dạng và phong phú bao gồm chương trình dành cho các học giả nước ngoài đến nghiên cứu, giảng dạy tại Viện. Hợp tác đồng tổ chức hội thảo khoa học, nghiên cứu chung, giảng dạy ngôn ngữ các nước Đông Á và Đông Nam Á (trong đó có tiếng Việt), các hoạt động trao đổi sinh viên…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện của ĐH Columbia đã đề xuất việc xem xét, nghiên cứu hướng tới việc thành lập Trung tâm pháp luật Việt Nam tại Trường Luật ĐH Columbia khi quan hệ đối tác của hai trường đã chín muồi.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Đồng thời, Viện Weatherhead bày tỏ mong muốn hợp tác với Trường ĐH Luật Hà Nội và sẵn sàng làm đầu mối để kết nối Trường với Trường Luật ĐH Columbia.
Sau khi lắng nghe những trao đổi, TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên. Qua đó, Trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Columbia có thể thúc đẩy trao đổi học thuật, văn hóa trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu.
TS. Đoàn Trung Kiên cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác về trao đổi giảng viên, sinh viên, đồng tổ chức hội thảo, hợp tác nghiên cứu để công bố và giảng dạy tiếng Việt pháp lý cho sinh viên của ĐH Columbia.
TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội tặng tranh cho đại diện ĐH Columbia. |
Kết thúc buổi làm việc, hai bên đã lên kế hoạch ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2023.
Bản ghi nhớ hợp tác khung sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cơ hội hợp tác và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai trường, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các giảng viên, sinh viên của cả hai trường.
Trước đó, TS. Đoàn Trung Kiên và đoàn công tác của Trường ĐH Luật Hà Nội đã đến tham quan cơ sở vật chất của Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead và ĐH Columbia.
ĐH Columbia là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất tại tiểu bang New York và lâu đời thứ năm tại Hoa Kỳ. Đây là một trong những ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ (cùng với Harvard, Yale và Princeton) với tỷ lệ tuyển chọn thuộc diện khó nhất tại Hoa Kỳ (năm 2022 chỉ có khoảng 3% trong số hơn 65000 ứng viên trúng tuyển vào ĐH Columbia). Hiện ĐH Columbia đang đào tạo hàng trăm chương trình cấp bằng cử nhân và chương trình cấp bằng sau đại học.
Viện Nghiên cứu Đông Á Weatherhead được thành lập năm 1949, là một trong những trung tâm nghiên cứu uy tín nhất tại Mỹ về Đông Á, Đông Nam Á và Nội Á hiện đại và đương đại.
Ngành Nghiên cứu Việt Nam tại ĐH Columbia ra đời dưới sự bảo trợ của Viện Đông Á Weatherhead. Từ năm 2017 đến nay, Ngành Nghiên cứu Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ và đóng góp quan trọng từ nhiều bộ phận khác tại Columbia nhằm phát triển hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, như khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Á, khoa Lịch sử, Khoa học Chính trị, Trường Quan hệ Quốc tế và Đối ngoại, Trường Kinh doanh…
Nhờ vậy, ĐH Columbia luôn duy trì vị thế dẫn đầu tại Mỹ khi nhắc đến Nghiên cứu Việt Nam, và trường đã trở thành điểm đến hấp dẫn với những ai đam mê tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam.
Ngành Nghiên cứu Việt Nam được xây dựng dựa trên tinh thần cầu thị tri thức không ngừng nghỉ, với sứ mệnh “bắt rễ sâu sắc vào xã hội và văn hóa đương đại Việt; cam kết lan tỏa hiểu biết và tầm quan trọng của Việt Nam đến các ngành nghiên cứu đa dạng trên thế giới; và thúc đẩy hợp tác với các học giả quốc tế hàng đầu, đặc biệt là các học giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam”.