6 bước thực hiện
TS Đỗ Hải Lan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN), Trường ĐH Tây Bắc - sau khóa học Quản trị và Lãnh đạo trường ĐH do Chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) tổ chức đã cùng các đồng nghiệp xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển sản phẩm KHCN của trung tâm. Với kiến thức thu được trong khóa học cùng các chuyên gia ĐH Queensland và nguồn nhân lực chủ yếu lấy từ cán bộ của trung tâm, chị Hải Lan và đồng nghiệp đã tiến hành 6 bước thực hiện kế hoạch.
Việc đầu tiên là xin góp ý các bên liên quan để đạt được sự nhất trí chủ trương từ lãnh đạo nhà trường và cam kết tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Sau đó, tìm các nhóm để thực hiện kế hoạch chiến lược, nòng cốt là các cán bộ của trung tâm trong đó có sự phân công công việc cụ thể cho từng cá nhân. Cùng đó phối hợp với các phòng chức năng để rà soát các nhiệm vụ KHCN, xem kết quả NCKH nào có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hóa.
Bước tiếp theo, áp dụng những kiến thức đã học, chị Hải Lan và các đồng nghiệp làm đối sánh để hình thành các bước xây dựng kế hoạch cụ thể, tiêu chí cho 6 kế hoạch. Sau khi hoàn thiện được bản dự thảo kế hoạch chiến lược, nhóm sử dụng 11 tiêu chí để đánh giá xem việc xây dựng kế hoạch chiến lược có hiệu quả hay không.
Một việc rất được TS Hải Lan coi trọng, đó là đưa kế hoạch chiến lược ra hội thảo xin đóng góp ý kiến của lãnh đạo nhà trường và các phòng ban đơn vị chức năng có liên quan, đặc biệt xin ý kiến của doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La nhằm điều chỉnh và hoàn thiện. Kết quả cuối cùng: Kế hoạch chiến lược của TS Hải Lan và các đồng nghiệp đã được Trường ĐH Tây Bắc phê duyệt.
Trong kế hoạch này, TS Hải Lan đưa ra kế hoạch xác định rủi ro và quản lý rủi ro. Nhận thấy mỗi kế hoạch đều có rủi ro riêng nên chị đã lồng ghép nội dung này vào kế hoạch cụ thể, xác định rủi ro đó là gì và quản lý nó như thế nào.
Vượt khó rào cản pháp lý
TS Hải Lan cho biết: Có một khó khăn về rào cản pháp lý là muốn thương mại hóa các sản phẩm KHCN của nhà trường thì phải có công ty. Nhưng với Luật Doanh nghiệp thì không cho phép đặt công ty trong trường học. Chính vì thế nên việc thương mại hóa các sản phẩm của nhà trường trước đây gần như không thể. Vì vậy, chúng tôi đã phải thành lập một công ty ở ngoài trường học liên kết với trung tâm nhằm thương mại hóa các sản phẩm của trung tâm…
Trong thời gian làm đề tài, nhóm TS Hải Lan đã gửi đăng ký sở hữu trí tuệ về quy trình sản xuất của mình và được chấp nhận hợp lệ. Cùng với việc đăng ký thương hiệu và sản phẩm, TS Hải Lan tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ độc quyền nhãn hiệu sản phẩm đó.
Sau một thời gian vừa xây dựng kế hoạch chiến lược, vừa thực hiện kế hoạch, Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm KHCN, Trường ĐH Tây Bắc là đơn vị đầu tiên được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận đảm bảo ATTP trong sản xuất thực phẩm chức năng.
Đặc biệt, một sản phẩm của nhà trường - Đông trùng hạ thảo Tây Bắc - đạt danh hiệu Cúp vàng cho Sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao năm 2018. Đây chính là sản phẩm đầu tiên của Trường ĐH Tây Bắc được thương mại hóa. “Giải thưởng này trước đây chỉ cấp cho doanh nghiệp. Năm 2018, Đông trùng hạ thảo Tây Bắc là sản phẩm đầu tiên được BTC cấp cho hai đơn vị: Trường ĐH Tây Bắc – đơn vị nghiên cứu và sản xuất sản phẩm và đơn vị doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm này” - TS Hải Lan phấn khởi chia sẻ.
Mở rộng lĩnh vực nghiên cứu
Từ những kết quả khả quan trong năm 2018, trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm KHCN, Trường ĐH Tây Bắc đặt mục tiêu không chỉ phát triển các sản phẩm đang có mà mở rộng sang các ngành nghề khác, như phối hợp với đồng nghiệp ở Khoa Nông Lâm nghiên cứu phát triển về nấm, thực vật, động vật, thú y… Cùng đó, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên, tạo việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp của trường.
Được biết, trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm nghiên cứu KHCN, trung tâm đã mời 2 SV K54 và K55 cùng tham gia và làm việc. Mức lương của các SV tăng dần theo khả năng làm việc của các em. Trung tâm cũng thuê các SV đang học tại trường, SV ở Khoa Nông Lâm làm việc bán thời gian, tính lương theo giờ làm từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/giờ, tùy theo khối lượng, mức độ công việc.