Tham gia đoàn công tác phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ.
Phía TP Cần Thơ có sự tham dự của ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ. Trường ĐH Cần Thơ có GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng cùng đại diện các trường, khoa, viện thuộc Trường ĐH Cần Thơ.
Phát huy vai trò đào tạo nhân lực chất lượng cao
Báo cáo tình hình nhà trường, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Trường hiện có 51 đơn vị, trong đó có 15 đơn vị trực thuộc, 84 ngành đào tạo bậc đại học, 51 chuyên ngành bậc thạc sĩ và 21 chuyên ngành tiến sĩ. Mỗi năm, trường đã cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, đây là nguồn lao động số lượng lớn có trình độ cao. Trường ĐH Cần Thơ cũng là một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng và cả nước.
Về tổ chức bộ máy và đội ngũ, Trường ĐH Cần Thơ có 5 trường (gồm Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Trường Thủy sản), có 10 Khoa, 17 Trung tâm, 14 phòng ban, 3 Viện, 1 Công ty và Trường THPT Thực hành Sư phạm. Trường đang xúc tiến thủ tục thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển Trường ĐH Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ.
Hiện nay, trường có 1.845 viên chức, người lao động, trong đó có 18 Giáo sư, 163 Phó Giáo sư, 589 tiến sĩ, 691 thạc sĩ với năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cao, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc. |
Dự án Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, tất cả các hợp phần của Dự án đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, dự án đã tiết kiệm được số tiền ước tính khoảng 2.766,58 triệu Yên (tương đương 586.514 triệu đồng). Trường được các cơ quan hữu quan chấp thuận cho phép sử dụng vốn ODA kết dư từ các hoạt động trong khuôn khổ Dự án để xây dựng Trung tâm Đào tạo quốc tế (IETC) và mua sắm bổ sung thiết bị nghiên cứu.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ kiến nghị Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương và tiếp tục hỗ trợ thủ tục để chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ và thành lập 2 phân hiệu thuộc Trường ĐH Cần Thơ tại Sóc Trăng và Hậu Giang.
Bộ GD&ĐT xem xét sớm cấp bổ sung kinh phí về sinh hoạt phí khóa tuyển sinh năm 2021 và năm 2022 cho nhóm sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Kiến nghị với Bộ Tài chính về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (2% học phí) để công bằng với các trường đại học công lập.
Về biên chế, nhân sự, đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét, đề xuất Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập được ký hợp đồng lao động có thời hạn với giảng viên đã nghỉ hưu như hình thức sử dụng người cao tuổi và được tính vào đội ngũ giảng viên cơ hữu để mở ngành đào tạo nhằm mang lại sự công bằng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục.
Đồng thời cho phép được tính vào đội ngũ giảng viên cơ hữu để mở ngành đào tạo đối với người nước ngoài có ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 năm trở lên. Bộ GD&ĐT xem xét giao quyền chủ động nhiều hơn cho trường trong việc hợp tác, tiếp nhận các dự án, chương trình hợp tác quốc tế do trường tự tìm kiếm được…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát triển nhanh hơn, khát vọng lớn hơn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao đối với kết quả hoạt động của nhà trường. Hiện nay, các chỉ số phát triển, chỉ số về chất lượng của nhà trường rất tốt, thể hiện qua các bảng xếp hạng gia tăng.
Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển đội ngũ, chuyển giao công nghệ có bước tiến quan trọng. Đặc biệt, nhà trường có kế hoạch từng bước phát triển đội ngũ trong suốt thời gian qua. Để có được đội ngũ này, từ nhiều năm nhà trường có chính sách đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài, đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực.
Đối với kiến nghị Trường ĐH Cần Thơ chuyển đổi thành ĐH Cần Thơ, Bộ trưởng cho biết, hiện Trường ĐH Cần Thơ trong nhóm các trường đại học công mạnh của cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống đại học tại Việt Nam thì cần phát triển nhanh hơn nữa, khát vọng phát triển lớn hơn nữa. Khi chuyển đổi mô hình, trong thiết kế đề án để trở thành đại học, cần thể hiện hết tầm nhìn trở thành không chỉ đại học hàng đầu ĐBSCL mà phải trong nhóm số ít các trường gia nhập vào những đại học hàng đầu châu Á.
Đồng thời, nhà trường cần có tầm nhìn chiến lược, rà soát yếu tố ngành nghề đào tạo. Phải bám nhu cầu của ĐBSCL. Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến giá trị lớn hơn nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ trồng cây lưu niệm. |
Với tầm nhìn vùng, trường phát triển đội ngũ cho các trường đại học khác trong vùng ĐBSCL là yêu cầu không thể khác được. Cần có sự chia sẻ trong cơ cấu đào tạo, nghiên cứu; nhất là đào tạo các nhà khoa học và sẵn sàng chia sẻ với các trường đại học trong khu vực. Cần có tầm nhìn lâu dài lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mang tính mũi nhọn.
Về tự chủ đại học, phải tính đến tự chủ đại học đầy đủ, an toàn, chiều sâu. Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, thiết chế nội bộ chặt chẽ để vận hành tốt. Xây dựng thiết chế nhằm tạo điều kiện sáng tạo, thoải mái, hứng khởi của các nhà khoa học.
Thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho phát triển đội ngũ, phát triển các chuyên gia đầu ngành, thu hút nhân lực khoa học. Chăm lo xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận. Khi phát triển các phân hiệu cần phải tính đến khu thực hành xứng tầm… - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn