Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM vừa tổng kết và giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ của Trường đã thiết kế, triển khai và hoàn thiện trong suốt thời gian qua.
Các sản phẩm này là kết quả của quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhiều đơn vị trong trường.
Khi đất nước cần sự đồng lòng hợp sức trong phòng chống dịch, Trường ĐH Bách Khoa có thể kịp thời tung ra các đóng góp khoa học công nghệ đáng chú ý, điển hình là buồng khử khuẩn di động sử dụng khí sạch của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa (BK-RECME); Buồng khử khuẩn bề mặt di động, Buồng lấy mẫu và khử khuẩn bề mặt di động, Máy phun dung dịch sát khuẩn rửa tay không tiếp xúc, Máy thở đơn giản của PTN Trọng điểm quốc gia Điều khiển kỹ thuật số và Kỹ thuật hệ thống (DCSELab); Thiết bị dẫn khí của Trung Tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymer- Khoa Công Nghệ Vật Liệu chế tạo; Bộ sản phẩm Gel sát khuẩn nhanh, Xịt sát khuẩn nhanh, Rửa tay sát khuẩn của nhóm nghiên cứu BM Kỹ thuật Hoá Hữu cơ - Khoa KT Hoá học, Hệ thống máy sản xuất khẩu trang dùng 1 lần của nhóm nghiên cứu Khoa Cơ khí v.v
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa đã chế tạo thành công hệ thống khử khuẩn di động chỉ trong 30 giây và thải khí sạch ra bên ngoài. Hệ thống có các bộ lọc khí đầu vào và đầu ra để đảm bảo không khí sạch trước khi vào hệ thống và sau khi thải ra khỏi hệ thống. Công nghệ này đã và đang được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm về thiết bị bán dẫn và y học, sử dụng không khí sạch, khí ozone (theo ngưỡng cho phép cho người sử dụng, ion âm).
Theo PGS.TS Võ Tường Quân - Giám đốc Trung tâm, điểm đặc biệt của hệ thống là dùng không khí sạch, khí ozne và ion âm để diệt vi khuẩn bám trên bề mặt vật chủ. Công nghệ sử dụng kết hợp giữa nguyên lý hệ thống tắm khí (Air-shower) và kết hợp với các khí có thức năng diệt khuẩn. Hệ thống được vận hành hoàn toàn tự động, hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người (cửa tự động đóng mở theo hướng vào ra khác nhau).
Ngoài ra, nguồn ion âm trong hệ thống sẽ diệt khuẩn lần 2, hút bụi bẩn sau khi thoát khỏi cơ thể vật chủ nhằm tăng khả năng diệt khuẩn bề mặt. Đầu vào là không khí được cho qua màng lọc trước khi đi vào quạt thổi cao áp. Hệ thống các ống gió, lưu lượng gió được tính toán thiết kế sao cho khí ozone không tác dụng trực tiếp vào mũi người.
Hiện hệ thống đang được chuyển giao thương mại hóa cho các doanh nghiệp liên quan và các đơn vị có nhu cầu, sẵn sàng cho sản xuất hàng loạt...
Máy thở đơn giản hoạt động với nguyên lý ép/thả túi ambu một cách tự động để đưa dòng không khí vào phổi bệnh nhân tương ứng với hai pha hít vào và thở ra. Máy trợ thở có hai chế độ hoạt động Volume control và Assist control, hai chế độ hoạt động này có thể tự động chuyển đổi qua lại. Các vật tư thiết bị chính của máy gồm: Túi ambu, động cơ DC servo, bộ điều khiển, cảm biến áp suất vi sai, phổi giả, bình cấp oxy. Sản phẩm đang được hoàn thiện sau nhiều lần chỉnh sửa và hội ý với các BS chuyên khoa bệnh viện Chợ Rẫy và Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Máy phun dung dịch sát khuẩn rửa tay không tiếp xúc sử dụng công nghệ siêu âm, phun dung dịch rửa tay theo tiêu chuẩn WHO để tạo ra các hạt sương dung dịch có thể len lỏi và các kẽ bàn tay đồng thời tự động phát hiện có bàn tay và điều khiển phun dung dịch. Sản phẩm ứng dụng công nghệ dao động siêu âm lên đến 113kHz các màng gốm áp điện xé tan liên kết giữa các hạt dung dịch thành kích thước cỡ 10nm sau đó đẩy chúng bay lên len lỏi vào các kẽ của bàn tay tiến hành diệt khuẩn. Ngoài ra việc phun yếm khí sẽ giúp lượng cồn có trong dung dịch phun ra không được hòa trộn oxy nên tuyệt đối an toàn cháy nổ
Nhằm ứng phó với tình trạng nước rửa tay khan hiếm trên thị trường, nhóm cán bộ và sinh viên BM Kỹ thuật Hoá Hữu cơ - khoa KT Hoá học trường ĐH Bách khoa đã nhanh chóng pha chế gel sát khuẩn, xịt sát khuẩn, nước rửa tay phòng chống dành cho cán bộ và sinh viên của trường.
Các sản phẩm được trang bị tại các vị trí trọng yếu của trường như: đầu các toà nhà (khu vực cầu thang), các phòng họp, phòng tiếp khách… Ngoài ra, trong thời điểm khan hiếm, nhà trường đã pha chế để tặng cho các trường thành viên ĐH Quốc gia HCM và đồng bào các tỉnh phía Bắc.
PGS-TS Lê Thị Hồng Nhan, Trưởng BM Kỹ thuật Hóa Hữu cơ nhà trường, cho biết: “Đây là các sản phẩm tẩy rửa và sát khuẩn thường quy, có tác dụng làm sạch và kháng vi sinh vật có thể gây viêm nhiễm. Trong tình trạng dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, đây được xem là một trong những giải pháp phòng tránh”.
Đây là những bài thực hành đơn giản từ những bài học trên lớp, được xem như một giải pháp trong lúc trên thị trường các sản phẩm diệt khuẩn phòng dịch bệnh đang khan hiếm. Sinh viên trực tiếp thực hiện các thao tác từ chuẩn bị nguyên vật liệu, lên kế hoạch, sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Giảng viên là những người hỗ trợ công thức và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Máy tự động tạo thân khẩu trang y tế và hàn quai siêu âm đơn điểm do nhóm giảng viên khoa Cơ khí nghiên cứu thực hiện. Năng suất một máy tự động tạo thân có thể đạt tối đa 90 cái/phút, trong khi năng suất máy hàn quai siêu âm đơn điểm chỉ đạt 15 cái/phút. Do đó, để đảm bảo năng suất đồng bộ, một máy tạo thân sẽ đi kèm với sáu máy hàn quai siêu âm.
Trong thiết kế này, khẩu trang y tế từ 3 đến 5 lớp đều có thể tạo ra được tùy vào số cuộn vải đưa vào... Sản phẩm của nhóm PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng Khoa và TS. Nguyễn Thanh Hải, chủ nhiệm Bộ môn Thiết bị và công nghệ vật liệu cơ khí.
Máy tự động tạo thân khẩu trang y tế và hàn quai siêu âm đơn điểm do nhóm giảng viên khoa Cơ khí nghiên cứu thực hiện
Ngoài các sản phẩm nói trên, các giảng viên, sinh viên của trường còn có nhiều sản phẩm đa dạng thiết thực khác để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 như kính chắn giọt bắn (có khả năng chống bụi, giúp tránh và ngăn ngừa tối đa dịch bắn, giọt bắn từ hắt hơi, ho; tăng cường lớp bảo vệ), quai đeo khẩu trang, móc vào quai làm giảm áp lực lên tai, các sản phẩm này đều sử dụng công nghệ in 3D do nhóm nghiên cứu công nghệ in 3D (ThS. Huỳnh Hữu Nghị, Khoa Cơ Khí).
Cùng với rất nhiều sản phẩm khoa học công nghệ khác, những sản phẩm hỗ trợ phòng chống Covid-19 được nghiên cứu và chế tạo kịp thời cho thấy một phần tiềm lực khoa học công nghệ của nhà trường.