TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Triết lý đào tạo định hướng sứ mệnh nhà trường

GD&TĐ - Được biết đến là một trong số ít trường Đại học ngoài công lập (NCL) có chất lượng đào tạo khối ngành Khoa học & Xã hội uy tín phía Nam, Trường Đại học Văn Hiến không chỉ đáp ứng tốt mục tiêu đào tạo gắn với nhu cầu xã hội mà còn đang khẳng định rất rõ sứ mệnh và tầm nhìn của mình. 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Triết lý đào tạo định hướng sứ mệnh nhà trường
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Triết lý đào tạo định hướng sứ mệnh nhà trường ảnh 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Triết lý đào tạo định hướng sứ mệnh nhà trường ảnh 2TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HIẾN: Triết lý đào tạo định hướng sứ mệnh nhà trường ảnh 3

Đó là hướng đến đào tạo đa ngành nghề, xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp.

Có một đại học Văn Hiến rất riêng

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về Trường Đại học Văn Hiến khi có dịp ghé thăm và làm việc với nhà trường mới đây. Theo Bộ trưởng, để xây dựng và hình thành tốt các giá trị Văn Hiến, đặc biệt là các ngành nghề về Văn Hiến thì cần phải có bề dày văn hóa rất dài. Đại học Văn Hiến ít nhiều đã làm được điều đó trong chặng đường vừa qua.

“Xã hội ngày càng phát triển, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến nhanh như vũ bão nên ngành nghề nào cũng rất cần trong tương lai, Công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật … Tuy nhiên, Xã hội & Nhân văn bao giờ cũng giữ vai trò và tầm vóc nhất định trong dòng chảy lịch sử. Bởi việc đào tạo ra những con người, thế hệ trẻ hiểu biết về truyền thống, hội nhập được khu vực là hết sức quan trọng. Trường Đại học Văn Hiến đã và đang đi, định hình được thế mạnh đào tạo của mình một cách rất riêng”- Bộ trưởng nói.

Thực tế, ngay từ những ngày đầu thành lập trường (11/7/1997), Trường đại học Văn Hiến đã xây dựng và phát triển trên nền tảng thế mạnh riêng của mình. Đó chính là các nhóm ngành đào tạo khối Khoa học Xã hội & Nhân văn. Trong đó, nổi bật gồm những ngành nghề như: Quản trị du lịch lữ hành, Tâm lý học, Xã hội học, Văn học, Quản trị khách sạn…

Các lứa sinh viên đầu tiên không chỉ may mắn được học tập trong một môi trường Văn Hiến thấm đẫm triết lý nhân sinh, mà còn được lĩnh hội những lớp “trầm tích” văn hóa, khoa học xã hội từ đội ngũ giảng viên là những GS, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực. PGS Trần Tuấn Lộ - Nguyên Trưởng Khoa Tâm lý học Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ: Thực tế, những ngày đầu mới thành lập trường, những ngành học tạo nên tên tuổi và thương hiệu cho nhà trường chính là nhóm ngành Xã hội & Nhân văn. Bởi lúc đấy, ngoài Trường Đại học KHXH &NV TPHCM ra rất ít trường đại học NCL đào tạo nhóm ngành này.

“Trong truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển của Đại học Văn Hiến, cùng với khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn thì Tâm lý học là ngành mũi nhọn đã khẳng định được thương hiệu của mình. Sự khẳng định ấy không chỉ đến từ sự thừa nhận của xã hội, từ chất lượng đội ngũ sinh viên đã và đang công tác tại rất nhiều cơ quan, ban ngành trên cả nước, mà còn đến từ cái chất rất riêng của Văn Hiến”- GS Lộ nói.

Thực tế, theo dòng chảy của lịch sử, sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế thị trường, cũng như nhu cầu biến thiên đa dạng của thị trường lao động…, thế mạnh đào tạo và tuyển sinh của Trường Đại học Văn Hiến vẫn là nhóm ngành nghề Xã hội & Nhân văn và Dịch vụ. PGS-TS Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo của trường cho biết: Hiện nay nhà trường đã đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực (kinh doanh – quản lý, du lịch, khoa học xã hội – nhân văn, kỹ thuật – công nghệ, nghệ thuật) với tổng số 27 chương trình đào tạo. Trong đó, nhóm ngành Xã hội & Nhân văn vẫn là nhóm ngành thế mạnh chính của nhà trường.

Gắn đào tạo với thị trường lao động

Đó không chỉ là mục tiêu, mà còn là lộ trình chuyển dịch cơ cấu đào tạo của HĐQT, Ban giám hiệu Trường Đại học Văn Hiến trong 5 năm trở lại đây. Thực tế, với xu hướng đào tạo theo hướng ứng dụng, không trường đại học nào có thể bó hẹp tư duy và phương thức đào tạo của mình theo lối cũ mãi.

Trường Đại học Văn Hiến cũng vậy, với xuất phát điểm khoảng 11 ngành nghề đào tạo thời kỳ đầu, đến nay trường đã có quy mô đào tạo 27 chương trình. Trong đó có nhiều ngành đào tạo thuộc dạng “hot”, thị trường lao động đang rất khan hiếm nhân lực như: Quan hệ công chúng, Quản trị Doanh nghiệp Thủy sản, Quản trị tài chính doanh nghiệp hay Quản trị chuỗi cung ứng.

Với thế mạnh là trường nằm trong tập đoàn kinh tế lớn (Tập đoàn Hùng Hậu), bao gồm nhiều công ty thành viên nên nhà trường đã tận dụng tối đa lợi thế này khi hình thành nhiều mô hình đào tạo mới mẻ: Trường học trong Doanh nghiệp, lớp học trong công xưởng. Chính vì thế, các ngành nghề thuộc về Quản trị doanh nghiệp thủy sản, Kinh doanh quốc tế, Quản trị Chuỗi cung ứng, Marketing… nhà trường không chỉ tạo ra được môi trường học thuật ngay tại văn phòng công ty, nhà máy, mà còn mang đến sự trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên ngay từ khi các em bước chân vào trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc với nhà trường vào cuối tháng 5 vừa qua đã rất hài lòng với các mô hình đào tạo này, cũng như đồng tình với sự chuyển dịch của nhà trường. Theo Bộ trưởng, Đại học Văn Hiến không nên bó hẹp Văn Hiến vào những giá trị truyền thống, mà cần mở rộng ra để giúp nâng cao đời sống sinh kế cho người dân bằng những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Khai thác thế mạnh, tiềm năng mà các vùng miền đang khát nhu cầu nhân lực như ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

“Quan niệm về Văn Hiến phải được mở rộng. Văn Hiến ngày xưa chủ yếu về các giá trị nhân văn, con người là chính, dường như không chú trọng vấn đề về kỹ thuật. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhất là trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngay cả cái trí tuệ nhân tạo cũng được tính đến như những giá trị nhân văn. Vì vậy các trường không gì khác buộc phải thay đổi”- Bộ trưởng chia sẻ.

PGS-TS Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch Hội đồng Khoa học & đào tạo của Trường Đại học Văn Hiến cho biết: Thực tế, trong quá trình đào tạo suốt thời gian qua, chúng tôi đặt ra mục tiêu “đầu ra của trường gắn với đầu vào của doanh nghiệp”. Có nghĩa, chúng tôi rất chú trọng việc đào tạo ra những sinh viên có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, có thể làm được việc ngay và thái độ nghiêm túc với công việc.

Để xây dựng được mục tiêu này chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp; cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường thực hành/thực tế; đánh giá SV dựa trên chuẩn đầu ra của từng bài học, môn học; tạo ra các dịch vụ đa dạng hỗ trợ quá trình dạy và học. Trong đó, các kỹ năng và thời lượng trải nghiệm thực tiễn xã hội, gắn trách nhiệm của sinh viên với cộng đồng được trường xem là “điểm cộng” cho sự trưởng thành của SV.

“Thực tế, 3 năm trở lại đây, Doanh nghiệp đánh giá rất cao kỹ năng và trình độ của sinh viên Văn Hiến. Đặc biệt là sinh viên khối ngành dịch vụ và Khoa học xã hội khi tuyển dụng. Đây là động lực để chúng tôi kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển, triết lý đào tạo của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế”- PGS-TS Minh Đức nói.

Chất lượng đào tạo - kim chỉ nam cho lộ trình phát triển

Để bước chân vào cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực một cách sòng phẳng với nguồn nhân lực các nước trong khu vực ASEAN, quốc tế, không cách nào khác là phải thay đổi tư duy đào tạo.

Thực tế, nhiều trường đại học NCL đã nhìn nhận được vấn đề này từ rất sớm- trước khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, nên ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua kí kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp, nhiều trường đã không ngừng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Xác định đội ngũ giảng viên là nhân tố cốt lõi, là “linh hồn” của một trường đại học, trong suốt chặng đường 20 năm phát triển của mình, Trường Đại học Văn Hiến luôn tìm kiếm, mời gọi những giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công tác và gắn bó lâu dài với nhà trường, nhằm mang đến cho sinh viên những trải nghiệm tốt nhất.

Ngoài các chế độ đãi ngộ tốt, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học theo đúng năng lực của từng giảng viên, nhà trường còn luôn xác định việc tạo ra môi trường làm việc (giảng dạy, nghiên cứu khoa học) là yếu tố đầu tiên để thu hút nhân tài. Chính vì thế, từ đội ngũ CBQL, GV cơ hữu khá khiêm tốn những ngày đầu, đến nay, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường hơn 450 người, gần 80% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên; trong đó có 17 giáo sư, phó giáo sư, 85 tiến sĩ và nghiên cứu sinh.

Tạp chí khoa học của trường, nơi đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học không chỉ của các giảng viên trong trường mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng viên từ các viện, trường khác. Hiện nay, Tạp chí khoa học Đại học Văn Hiến đã được các hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận, thẩm định và đưa vào danh sách các tạp chí khoa học được tính điểm. Điều này chứng tỏ chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên của trường đang ngày càng được nâng cao.

Theo PGS-TS Trần Văn Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến thì việc nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu trọng tâm trong mọi hoạt động đào tạo của nhà trường. Ông cho biết, để từng bước đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, 5 năm qua nhà trường đã triển khai đồng loạt các hoạt động kiểm định chất lượng. Trường hiện đã thực hiện xong việc tự đánh giá chất lượng, cũng như đã đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở và đang chờ Đoàn đánh giá ngoài về trường.

Riêng về kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo, nhà trường đang triển khai tự đánh giá các chương trình theo tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA. Dự kiến đến năm 2018, trường sẽ có 8 ngành chính thức được đánh giá và công nhận bởi mạng lưới các trường đại học khối ASEAN. Trong đó có những ngành đặc thù như: Tâm lý học, Văn học Việt Nam, Du lịch.

“Từ nền tảng về hệ thống cơ sở vật chất, phòng học đạt chuẩn, cộng thêm các chương trình đào tạo đều được gắn kết trực tiếp với nhu cầu Doanh nghiệp và được kiểm định bằng các tổ chức kiểm định uy tín một cách bài bản, chất lượng nguồn nhân lực do trường đào tạo sẽ chính là thước đo cho định hướng và lộ trình đúng đắn của nhà trường suốt 20 năm qua”- PGS-TS Trần Văn Thiện khẳng định.

Hai mươi năm, chặng đường chưa thật sự là quá dài nhưng đã đủ cho Trường Đại học Văn Hiến chững chạc và trưởng thành. Hai mươi năm đi qua, Văn Hiến đã trở thành một khối đoàn kết, tích cực, nhiều niềm tin được kết nối từ các thế hệ để cùng hướng đến sự phát triển bền vững. Với mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn đã đặt ra, Trường Đại học Văn Hiến vững tin sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa, cũng như khẳng định nhiều đóng góp mới trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Những thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cũng chính là động lực để nhà trường tạo ra kỳ tích, không chỉ ở nước nhà mà còn ở khu vực và thế giới.

Trong 20 năm hoạt động và phát triển, Trường Đại học Văn Hiến đã trở thành một thương hiệu uy tín về giáo dục Đại học, đào tạo có chất lượng về các ngành Kinh tế; Du lịch; Kỹ thuật; Khoa học xã hội & Nhân văn tại khu vực phía Nam và trong cả nước. Gần 15.000 sinh viên đã tốt nghiệp với 30 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng. Với triết lý giáo dục “Thành nhân trước khi thành danh”, nhà trường đang nỗ lực thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.

Từ những thành tựu đã đạt dược trong bước đường xây dựng và phát triển, tập thể CB-GV Trường Đại học Văn Hiến đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ GD&ĐT, UBND TPHCM vì những đóng góp, đào tạo nhân lực cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.