Mặt khác sự hợp tác trên mang ý nghĩa quan trọng trong công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Phát huy mạng lưới liên kết
Thời gian qua, Trường ĐH Cần Thơ tăng cường ký kết hợp tác với các trường THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc này đã nhận được sự ủng hộ của giảng viên, nhà trường và đạt những kết quả khả quan.
TS Huỳnh Anh Huy - Trưởng khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Cơ sở giáo dục đại học hiện có 3 trụ cột là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Trường ĐH Cần Thơ giao Khoa Sư phạm làm đầu mối hợp tác với các trường phổ thông để cùng thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển các trường THPT ĐBSCL (Đề án).
Mục tiêu của Đề án là xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác giữa Trường ĐH Cần Thơ với các trường THPT khu vực ĐBSCL nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển toàn diện và bền vững. Theo đó, đôi bên hợp tác trong các nội dung: Đào tạo, bồi dưỡng; hướng dẫn nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cho học sinh và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào trường phổ thông; phối hợp, phát triển, đánh giá các chương trình, sản phẩm đào tạo của Trường ĐH Cần Thơ để cải tiến chất lượng và phục vụ cộng đồng hiệu quả; phát huy vai trò Trường THPT Thực hành Sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ.
Đề án còn hướng đến kết nối công tác Đoàn và Hội Sinh viên; tăng cường hợp tác quốc tế; tham gia Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL - SDMD 2045 và các mạng lưới khác; xây dựng góc Trường ĐH Cần Thơ tại các trường phổ thông.
Hiện, Trường ĐH Cần Thơ có 15 ngành đào tạo sư phạm: Mầm non, Tiểu học, Khoa học tự nhiên… đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực sư phạm vùng ĐBSCL.
Để thực hiện hiệu quả Đề án cũng như gắn kết chặt chẽ các trường phổ thông và Trường ĐH Cần Thơ trong hoạt động GD-ĐT, theo chia sẻ của lãnh đạo các trường THPT, hợp tác có chiến lược, kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, phù hợp với các địa phương. Song song công tác tư vấn, hướng nghiệp, các trường THPT ở ĐBSCL có nhu cầu lớn về tập huấn phương pháp dạy học, chương trình mới, hoạt động nghiên cứu khoa học…
Chia sẻ điều này, thầy Kha Vĩnh Huy - Hiệu trưởng Trường THPT TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) đồng thời thông tin: Năm học 2023 - 2024, tỉnh Sóc Trăng thiếu khoảng 300 giáo viên; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên diễn ra ở nhiều nơi. Trường ĐH Cần Thơ có thể mở khóa đào tạo giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Thầy Phùng Kim Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, Sóc Trăng) cho biết thêm: Các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng diễn ra tình trạng chung là 10 năm nay hiếm khi tuyển mới giáo viên Toán, Lý, Hóa, Sinh. Trước năm 2005, công tác đào tạo giáo viên các môn trên được tiến hành tập trung, số lượng lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn vùng. Đến thời điểm nhất định có đồng loạt giáo viên về hưu. Vì vậy, Trường ĐH Cần Thơ cần tính toán vấn đề này với các tỉnh, thành trong vùng.
“Nhiều cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh nên tích hợp thêm nhiệm vụ trong Đề án và tổ chức thi ứng dụng AI vào dạy học cho giáo viên các trường phổ thông. Từ đó đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, thực hiện yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài ra, Trường ĐH Cần Thơ có thể xem xét thành lập trung tâm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chung cho học sinh phổ thông. Nếu được sẽ tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh, thầy cô trong vùng”, thầy Phùng Kim Phú nhấn mạnh.
Khoa Sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) và ban giám hiệu các trường THPT ở ĐBSCL ký kết hợp tác. Ảnh: Ngọc Bích |
Tăng cường kết nối tư vấn, hướng nghiệp
Chia sẻ về kết nối, hợp tác giữa trường đại học và phổ thông, cô Cao Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) mong các trường đại học đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp. Qua đó giúp các em hiểu hơn về lựa chọn ngành nghề; nên tổ chức sớm, có thể vào đầu năm lớp 10, điều này phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Các trường cũng cần chú trọng tư vấn cho phụ huynh để định hướng tốt hơn cho con em.
Tại tỉnh An Giang, theo thống kê của Trường THPT Chu Văn An, hằng năm có khoảng 97 - 98% em đăng ký tuyển sinh vào đại học, đa số có xu hướng học tại TPHCM. Do đó, các trường đại học trong vùng cần có giải pháp tạo điều kiện, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh hiểu hơn về ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo, vị thế để các em có lựa chọn phù hợp.
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Cần Thơ) cho hay, 10 năm trước, trường tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, qua việc đón các em đến trường tham quan, trải nghiệm.
Đến năm học 2016 - 2017, các trường đại học tổ chức đoàn trực tiếp đến trường THPT. Những năm dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhà trường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tư vấn định hướng cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp; kể cả tư vấn cho phụ huynh.
Theo đánh giá của các giảng viên, lãnh đạo trường phổ thông, hoạt động hợp tác giữa trường đại học và phổ thông mang lại nhiều lợi ích cho hai bên. Đối với trường phổ thông, hợp tác này hỗ trợ định hướng sớm giúp học sinh hiểu hơn ngành nghề đào tạo ở bậc đại học; chuẩn bị sớm cho các em tâm lý, kỹ năng học tập ở môi trường giáo dục đại học, tạo động lực tích cực và phát triển hứng thú học tập; đồng thời có thể kết nối kiến thức mới từ trường đại học vào bài giảng trường phổ thông. Với trường đại học, kết nối trường phổ thông giúp nhà trường tiếp xúc sớm với ứng viên tiềm năng cho công tác tuyển sinh; thúc đẩy hứng thú học đại học; giúp việc thích ứng môi trường đại học của tân sinh viên nhanh chóng hơn...
GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Nhà trường luôn quan tâm đến hợp tác với các đơn vị. Hợp tác chiều ngang là giữa Trường ĐH Cần Thơ và đại học, viện; hợp tác chiều dọc giữa Trường ĐH Cần Thơ và các trường THPT, cựu sinh viên, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Trong đó, hợp tác giữa Trường ĐH Cần Thơ và trường THPT nhằm hướng đến mục tiêu gắn kết chặt chẽ hơn để cùng phát triển.