Trường Đại học PHENIKAA vào cuộc với 8 nhóm nghiên cứu mạnh

GD&TĐ - Sáng 15/5 tại Hà  Nội, Trường Đại học PHENIKAA đã tổ chức Lễ công bố quyết định và ra mắt 8 nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh trong các lĩnh vực: Phát triển và ứng dụng cảm biến nano; Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học; Vật liệu Nano Y sinh - Môi trường; Hóa dược và Hoạt chất Sinh học; Các hệ thống thông tin thông minh; Vật liệu nano cho ứng dụng điện tử và năng lượng tái tạo; Quang Điện tử và Quang tử; Phân tích dữ liệu lưới trong Khoa học xã hội.

Các nhà khoa học tại lễ công bố
Các nhà khoa học tại lễ công bố

Với mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, việc hình thành các NNC mạnh của Trường được tuyển chọn, đánh giá của Hội đồng xét duyệt, gồm các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam như GS.TS. NGND Nguyễn Đức Chiến (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), GS.TS Trần Đại Lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); GS.TS Đào Tiến Khoa (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam); GS.TS Mai Thanh Tùng (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) và GS.TS Nguyễn Hải Nam (Trường ĐH Dược Hà Nội).

Đại học PHENIKAA với định hướng phát triển thành ĐH nghiên cứu
Đại học PHENIKAA với định hướng phát triển thành ĐH nghiên cứu

Trong tổng số 8 NNC mạnh, có 7 là NNC cơ bản, trong đó có 6 NNC về KHTN và kỹ thuật, công nghệ và 1 NNC về KHXH&NV.

NNC duy nhất trong lĩnh KHXH&VN này do TS. Vương Quân Hoàng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu KHXH liên ngành (ISR) của Trường làm trưởng nhóm.

Được biết, TS. Vương Quân Hoàng là một trong những nhà khoa học uy tín của Việt Nam có nhiều công bố quốc tế về lĩnh vực KHXH.

NNC ứng dụng đầu tiên tại Trường Đại học PHENIKAA là NNC Quang điện tử và Quang tử của GS.TS. Phạm Thành Huy – người được giới khoa học nhắc tới nhiều trong việc xây dựng mô hình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp (điển hình là các nghiên cứu ứng dụng thành công tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông).

Các NNC mạnh của Trường Đại học PHENIKAA được phân ra làm 2 loại hình: NNC cứu cơ bảnNNC ứng dụng. Các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực công bố, chất lượng công bố, số lượng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, kinh nghiệm hợp tác với doanh nghiệp, số hợp đồng chuyển giao công nghệ và số lượng trích dẫn của trưởng NNC mạnh cũng như các thành viên nghiên cứu chủ chốt được lượng hóa cụ thể.

Kết quả nghiên cứu của các NNC mạnh cũng được yêu cầu cụ thể về số và lượng công bố nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển dài hạn và phát huy tối đa năng lực của các giảng viên, nhà khoa học trong Trường Đại học PHENIKAA.

Các nghiên cứu đều được hỗ trợ tài chính tốt nhất
Các nghiên cứu đều được hỗ trợ tài chính tốt nhất

Yêu cầu cụ thể đối với NNC mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản là mỗi năm phải công bố ít nhất 5 công trình khoa học là các bài báo trên các tạp chí hạng Q1 (theo tiêu chuẩn của SCImago Journal Rankings), hoặc 8 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus, trong đó có ít nhất 3 công trình hạng Q1.

Mỗi công trình khoa học hạng Q1 có thể được thay thế bằng một sách chuyên khảo. Đối với NNC mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, trong vòng 3 năm phải chuyển giao được ít nhất 1 quy trình công nghệ cho các doanh nghiệp (với tổng kinh phí chuyển giao công nghệ trên 500 triệu đồng), hoặc đăng ký thành công 2 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước hoặc quốc tế.

Nhằm hỗ trợ tối đa cho hoạt động nghiên cứu, các NNC mạnh sẽ được nhận tài trợ từ Quỹ Phát triển KH&CN Tập đoàn PHENIKAA cho việc xây dựng các phòng thí nghiệm, mua trang thiết bị, tuyển dụng postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ), học bổng cho NCStiến sỹ, thạc sỹ và sinh viên.

Mức kinh phí đầu tư cho trang thiết bị nói riêng của mỗi nhóm là 4 tỷ đồng cho 3 năm đầu và kinh phí không hạn chế đối với những NNC có mục tiêu phát triển công nghệ ứng dụng. Các trưởng NNC mạnh được giao quyền chủ động tối đa trong việc phát triển hướng nghiên cứu và tuyển chọn nhân sự, nhưng phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của NNC.

Ngoài ra, hoạt động của các NNC mạnh sẽ gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các Khoa và đặc biệt là 3 Viện nghiên cứu của Trường: Viện Nghiên cứu Tiên tiến PHENIKAA(PIAS – tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản), Viện Nghiên cứu và Công nghệ PHENIKAA(PRATI – tập trung vào khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ), Viện Nghiên cứu Nano (PHENA – nghiên cứu về vật liệu và công nghệ nano) – đây là 3 Viện nghiên cứu được xây dựng theo mô hình quốc tế, đã và đang được Tập đoàn PHENIKAA đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu tiên tiến cùng cơ chế tự chủ linh hoạt.

Các NNC mạnh của Trường Đại học PHENIKAA là nơi hội tụ, kết hợp của các nhà khoa học, công nghệ có thành tích nghiên cứu nổi trội và có kinh nghiệm xây dựng NNC trong và ngoài nước. Trưởng NNC mạnh được lựa chọn lần này đều là những nhà khoa học đầu ngành với nhiều công bố quốc tế và giàu kinh nghiệm.

Các NNC mạnh cùng với các Viện nghiên cứu PIAS, PRATI, PHENA chính là những hạt nhân đầu tiên của hệ sinh thái Đào tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp của Trường Đại học PHENIKAA và Tập đoàn PHENIKAA nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Trường Đại học PHENIKAA trở thành một trường đại học xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu đạt chất lượng quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.