Trường đại học mùa Covid-19: Đau đầu cân đối thu - chi

Trường đại học mùa Covid-19: Đau đầu cân đối thu - chi

Nhiều cơ sở giáo dục buộc phải tính chuyện giảm lương, thu nhập của viên chức, người lao động để cân đối tài chính trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Giảm thu nhập: Lãnh đạo làm gương

ThS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang (VLU) cho biết: Từ tháng 4, thu nhập, lương của cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) của trường có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn bảo đảm ổn định đời sống cho tất cả người lao động.

“Lãnh đạo trường giảm 50% tổng thu nhập, trưởng/phó các khoa, phòng, ban, trung tâm giảm từ 30 - 40%, GV-NV giảm từ 20 - 30%, những người thu nhập dưới 10 triệu không giảm” - ThS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Tương tự, các trường đại học thành viên của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) cũng nhận được thông báo về việc cắt giảm 40% thu nhập của CB-GV-NV. Hiệu trưởng một trường đại học thành viên NHG thông tin trường nhận được thông báo về việc cắt giảm 40% từ tập đoàn nên đang thảo luận để tính toán việc cắt giảm chỗ này chỗ kia cho hợp lý bởi nếu những người có thu nhập thấp mà bị cắt giảm 40% thì rất khó khăn.

Bên cạnh khó khăn của các cơ sở GD tư thục, các trường công lập tự chủ tài chính cũng không mấy tươi sáng khi dịch bệnh kéo dài. Một số trường công lập tự chủ tài chính có động thái điều chỉnh lương và thu nhập của CB-GV-NV.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) chia sẻ: Tháng 4, toàn trường giảm 15% thu nhập tăng thêm. Đồng thời, Hiệu trưởng HCMUTE cho hay “nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì sẽ giảm mạnh”.

“Nếu chi như cũ, năm nay trường sẽ âm 200 tỷ đồng. Hiện tại cũng chỉ có giải pháp tiết kiệm chi tiêu và giảm lương thôi” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Nhìn chung, với những lao động cơ hữu tại các cơ sở GD, việc giảm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm được đời sống. Thế nhưng với giảng viên thỉnh giảng, cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt là hệ thống các trường phổ thông tư thục quốc tế có số lượng GV thỉnh giảng là người nước ngoài rất lớn.

Một cán bộ Trường Quốc tế Á Châu (TPHCM) cho hay: CB-GV-NV trường chỉ nhận lương cơ bản còn phần thu nhập tăng thêm đã bị giảm. Trong khi đó, đội ngũ GV thỉnh giảng (phần lớn là người nước ngoài) không có lương vì họ chỉ dạy theo thỏa thuận buổi nào ăn tiền buổi đó.

“Lương, thu nhập của các GV nước ngoài rất cao, trung bình 40 - 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên khi dịch cúm mới diễn ra khoảng 1 tháng, một số GV này đã liên hệ với trường nói “hiện trong túi chỉ còn 500.000 đồng, trường có trả tiền thêm không”. GV đến từ các nước châu Âu, Mỹ ít có sự dành dụm nên khi xảy ra sự cố không kịp trở tay về tài chính” - một cán bộ Trường Quốc tế Á Châu chia sẻ.

Trường đại học mùa Covid-19: Đau đầu cân đối thu - chi ảnh 1
ThS Võ Văn Tuấn (giữa) trong một chương trình tư vấn online cho HS. Ảnh: NVCC

Không để SV kéo dài thời gian học

Một số trường ĐH như: Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Lạc Hồng, Công nghiệp TPHCM… vẫn giữ nguyên mức lương, thu nhập của CB-GV-NV. Đặc biệt tại Trường ĐH Hùng Vương (TPHCM) có cách hoán đổi thời gian để bảo đảm nguồn thu nhập của người lao động được ổn định.

PGS.TS Đỗ Văn Xê - Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (HVU, TPHCM) chia sẻ về cách làm này: “Trước tiên, tôi làm cho sự việc trở thành đơn giản, xem thời gian này là “nghỉ hè sớm”. Từ đó suy ra, mọi hoạt động trong thời gian này được điều chỉnh sang thực hiện “kế hoạch công việc của mùa hè”. Do đó, chế độ lương như lúc nghỉ hè là giữ nguyên lương”.

Cách làm này của HVU được 100% CB, VC hoan nghênh. PGS.TS Đỗ Văn Xê chia sẻ: “CB-GV-NV lo bị trừ lương. Tôi phải tìm cách thuyết phục nhà đầu tư chấp nhận phương án đó…”. Nhìn chung để thuyết phục được nhà đầu tư theo hướng xử lý này cũng là một thách thức đối với các hiệu trưởng trường tư thục.

“Tôi phải lập ra kế hoạch làm việc cụ thể, liệt kê các công việc cần làm trong thời gian nghỉ này. Nhưng yếu tố thuận lợi của HVU là nhà đầu tư không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu đối với trường” - PGS.TS Đỗ Văn Xê thông tin thêm.

Trong một diễn tiến khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng: Đối với nhà giàu, nghỉ 1 - 2 năm cũng không sao nhưng các gia đình nghèo sẽ càng khổ khi tốn tiền học cho con vì kéo dài thời gian. SV ra trường trễ một năm sẽ không thể đi làm và mất 10 - 15triệu x 12 = 120 triệu đồng - 180 triệu đồng/năm - số tiền không nhỏ đối với người nghèo. Các em cần tốt nghiệp đúng tiến độ để đi làm góp phần trả nợ vay lúc đi học.

“Trường ĐH tự chủ và không nhận kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước, chỉ cần một học kỳ không có SV là không còn tiền để trả lương (16 tỷ/tháng x 5 = 80 tỷ) và CB-GV-NV sẽ phải chuyển sang kiếm sống bằng công việc, mà thời buổi dịch bệnh thì cũng có ít việc để làm…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Trước thông tin trường giảm lương, thu nhập, ThS Nguyễn Phương Thúy - Giám đốc Trung tâm dịch vụ SV HCMUTE bày tỏ: “Đây cũng là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh kéo dài nên mình phải chung tay chia sẻ với nhà trường. Mong sao đại dịch Covid-19 sớm qua đi”.

Đây là khó khăn chung cho toàn hệ thống, nên chúng ta hãy cùng chung tay chia sẻ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. - ThS Võ Văn Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.