Trường đại học linh hoạt phương án dạy học thực hành

GD&TĐ -Dạy học trực tuyến là một trong những thách thức đối với các trường ĐH kỹ thuật, công nghiệp; nhất là với những học phần thực hành, thí nghiệm. Năm nay các trường chủ động phương án dạy – học đối với học phần này.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thực hành online. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh thực hành online. Ảnh: NTCC

Thông qua phần mềm mô phỏng

ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Nhà trường đã xây dựng 2 phương án dạy - học cho năm học mới. Nếu được trở về trạng thái bình thường mới, phương án học trực tiếp được triển khai trên cơ sở đảm bảo 5K. Trường hợp, dịch chưa được kiểm soát, các học phần lý thuyết và thực hành tư duy sẽ học trực tuyến, học phần thực hành trên sản phẩm sẽ học trực tiếp khi ổn định tình hình.

Trước đó, nhà trường đã nâng cấp đường truyền để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến. Trường cũng đầu tư studio để giảng viên chuẩn bị bài giảng cho các giờ học online. Đồng thời, tập huấn cho giảng viên sử dụng một số phần mềm, công cụ để giảng dạy trực tuyến như: Google Classroom, Microsoft Teams, Zoom. Ngoài ra, các giảng viên chủ động nghiên cứu và sử dụng một số phần mềm khác phù hợp với đặc điểm của học phần giảng dạy và điều kiện thực tiễn của sinh viên.

Theo TS Văn Tấn Lượng - Phó trưởng Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, để giờ dạy học trực tuyến hiệu quả cao, giảng viên phải thực sự làm chủ các công cụ, thiết bị công nghệ. Theo đó, nhà trường chú trọng bồi dưỡng giảng viên kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến thông qua các lớp tập huấn.

Đưa các môn học thực hành, thí nghiệm sang hình thức dạy online bằng các phần mềm mô phỏng. Mặt khác, xây dựng nền tảng dạy - học trực tuyến dùng chung. Đồng thời thay đổi hình thức đánh giá phù hợp và thường xuyên lấy ý kiến giảng viên, sinh viên về dạy – học trực tuyến để có điều chỉnh phù hợp.

TS Văn Tấn Lượng nhấn mạnh: Với các ngành kỹ thuật, việc thực hành, thí nghiệm của sinh viên đa phần được thực hiện tại xưởng, trừ các môn học liên quan đến lập trình, mô phỏng có thể thực hiện tại phòng máy tính. Tuy nhiên, với các môn học thực hành không thể giảng dạy trực tiếp tại xưởng, từ học kỳ I năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cho các môn học (học phần) thực hành, thí nghiệm bằng hình thức trực tuyến.

Để có thể thực hiện các môn học thực hành, thí nghiệm bằng hình thức trực tuyến, nhà trường chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên những kỹ năng cần thiết, đồng thời xây dựng nền tảng dạy - học trực tuyến dùng chung, trong đó hệ thống bài giảng được chuẩn hóa, kho học liệu điện tử được chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho sinh viên.

Giờ thực hành trực tuyến tin học chuyên ngành may của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NVCC
Giờ thực hành trực tuyến tin học chuyên ngành may của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NVCC

Kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp

“Để đảm bảo tiến độ đào tạo đối với các học phần thực hành, thí nghiệm, nhà trường định hướng dùng phần mềm mô phỏng, thay thế mô hình thực hành, thí nghiệm tại xưởng. Bởi lẽ môi trường tương tác trên nền tảng trực tuyến khác xa với hình thức dạy học thực hành tại xưởng.

Do đó, giảng viên cần biết chuyển đổi mô hình mạch, thao tác, vận hành, đo đạc tại xưởng vào mô phỏng thông qua việc sử dụng các phần mềm để có kết quả tốt nhất. Ngoài ra, các bước giảng dạy thực hành tại xưởng cũng phải đảm bảo tương đồng với giảng dạy thực hành trực tuyến” - TS Văn Tấn Lượng trao đổi.

Dẫn ví dụ từ việc giảng viên Khoa Công nghệ Điện – Điện tử triển khai giảng dạy trực tuyến học phần thí nghiệm máy điện cho sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, TS Văn Tấn Lượng chia sẻ: Trong mỗi buổi giảng dạy trực tuyến, trước tiên, giảng viên trình bày mục tiêu của bài thí nghiệm, phân tích sơ đồ mạch điện của bài thí nghiệm và các số liệu thí nghiệm dự kiến đạt được.

Sau đó, giảng viên hướng dẫn sinh viên sử dụng phần mềm LV-SIM EMS của hãng Lab-Volt (Mỹ) bằng cách dùng các mô-đun thí nghiệm sẵn có trong thư viện. Sinh viên tiến hành kết nối các mô-đun theo sơ đồ mạch điện của bài học. Sinh viên vận hành mạch điện và ghi nhận các số liệu của bài thí nghiệm. Trong quá trình giảng dạy trực tuyến, giảng viên luôn theo dõi và tương tác với sinh viên để trả lời câu hỏi cũng như hướng dẫn kỹ năng, thao tác cần thiết.

Còn theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường, đặc điểm của trường kỹ thuật theo định hướng ứng dụng là số giờ thực hành tương đối nhiều. Trong đó, chia làm 2 loại thực hành: Thực hành tư duy và thực hành thao tác kỹ thuật. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các phương án tổ chức học tập được Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, chỉ những học phần lý thuyết và thực hành tư duy mới tổ chức đào tạo trực tuyến; các học phần thực hành thao tác kỹ thuật phải học trực tiếp.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo – thông tin: Với những học phần thực hành trên máy tính như: Vẽ, thiết kế, mạch điện có thể dạy trực tuyến thông qua các hình ảnh mô phỏng hoặc giảng viên trực tiếp thao tác để sinh viên quan sát qua màn hình rồi tự làm.

“Chúng tôi kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Với những học phần thực hành thao tác trên máy bắt buộc sinh viên phải đến xưởng thực hành của nhà trường để thực hiện. Theo đó, khi dịch bệnh ổn định, các hoạt động đào tạo của trường trở về trạng thái bình thường, sinh viên sẽ đến thực hành trực tiếp, với số lượng tối đa 15 em/ca, thực hiện nghiêm 5K. Một số sinh viên ở vùng phong toả thuộc diện F0, F1 (nếu có) sẽ được nhà trường bố trí học bù sau khi đảm bảo về sức khoẻ và các điều kiện cần thiết khác” - TS Kiều Xuân Thực chia sẻ.

Tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học - cho biết: Các học phần thực hành, thí nghiệm có sử dụng các phần mềm kỹ thuật sẽ được tiến hành trực tuyến qua hướng dẫn của giảng viên. Các học phần cần thao tác, vận hành trực tiếp trên thiết bị sẽ được nhà trường điều chỉnh kế hoạch học tập hoặc sau khi dịch ổn định, sinh viên sẽ học sau. Ngoài ra, nhà trường xây dựng kế hoạch để mô hình hoá các mô-đun thí nghiệm trên nền tảng số với toàn bộ học phần phục vụ cho kế hoạch dài hạn nếu dịch còn kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.