Các bước không thể thiếu làm hấp dẫn dạy thực hành Sinh học

GD&TĐ - Thạc sĩ Lưu Thị Mai Loan - Giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - chia sẻ kinh nghiệm làm hấp dẫn tiết dạy thực hành môn Sinh học với các bước: Chuẩn bị thực hành, làm việc chung cả lớp, làm việc theo nhóm…

Các bước không thể thiếu làm hấp dẫn dạy thực hành Sinh học

Chuẩn bị thực hành

Đây là khâu quan trọng để mang lại thành công cho tiết thực hành. Khâu này nên cho học sinh tham gia chuẩn bị mẫu vật cùng, qua đó phần nào học sinh xác định được đối tượng thực hành và làm quen với mẫu vật, khắc phục tình trạng sợ sệt vật mẫu hoặc lóng ngóng khi thao tác với mẫu vật.

Công việc chuẩn bị muốn đạt kết quả tốt cần dặn dò học sinh kĩ lưỡng từ bài trước. Do đặc điểm học sinh ở thành phố nên chủ yếu mẫu vật sẽ được thu mua trên thị trường. Vì vậy, giáo viên cần giới thiệu để học sinh nhận dạng đúng mẫu vật hoặc giới thiệu mẫu vật thay thế.

Làm việc chung cả lớp

Kết quả cần đạt được trong phần làm việc chung cả lớp được mô tả theo sơ đồ sau:

Bước 1: Làm nảy sinh vấn đề, xác định yêu cầu và kĩ năng chính. Giáo viên nên đưa ra vấn đề một cách sát thực, nhẹ nhàng, thú vị và dễ ghi nhớ, xuất phát từ những hiện tượng thực tế gần gũi với đời sống.

Đặc biệt hiệu quả nếu như giáo viên quay lại được các hiện tượng thực tế học sinh chưa giải thích được rồi trình chiếu trên lớp để làm nảy sinh vấn đề.

Từ đó, học sinh xác định được cần giải quyết vấn đề đó chính là yêu cầu của bài thực hành. Giáo viên chốt lại các yêu cầu và nhấn mạnh vào kĩ năng chính trong bài.

Bước 2: Xác định dụng cụ, mẫu vật cần sử dụng. Ở bước này, trên cơ sở nắm được yêu cầu của bài, học sinh xác định cần dụng cụ và mẫu vật gì để đạt được yêu cầu đó.

Giáo viên có thể vấn đáp và giới thiệu nhanh các dụng cụ cần dùng. Đối với mỗi nhóm bài, các dụng cụ cần dùng gần giống nhau nên học sinh cũng đã rất quen thuộc qua các bài thực hành.

Bước 3: Tổ chức hướng dẫn học sinh. Giáo viên hướng dẫn từng thao tác thực hành bằng lời, một học sinh là trợ lí thực hành lên tiến hành minh họa để cả lớp quan sát, đặc biệt lưu ý các bước khó. Trong các bài thực hành, nếu thao tác nào khó, giáo viên có thể làm mẫu để học sinh quan sát.

Bước 4: Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm. Giáo viên phát phiếu học tập và đưa ra các yêu cầu cụ thể cho từng thành viên.

Cụ thể, nhiệm vụ của nhóm trưởng là kiểm tra việc chuẩn bị cho bài thực hành của mỗi thành viên trong nhóm. Điều hành nhóm một cách có hiệu quả: Phân công công việc cho các thành viên trong nhóm linh hoạt sao cho phù hợp với khả năng của từng người; khéo léo điều hành để mỗi người đều được tham gia công việc, đều cảm thấy mình có trách nhiệm với công việc của nhóm. Chịu trách nhiệm về trật tự, kỉ luật nhóm…

Yêu cầu về nhiệm vụ của thư kí nhóm: Ghi chép các kết quả và các hiện tượng xảy ra theo tiến trình thực hiện; có ý kiến với những kết quả có vẻ chưa hợp lí;...

Nhóm trưởng và thư kí của nhóm cũng chính là lòng cốt của đội trợ lí thực hành. Các con còn chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo kĩ thuật thực hành của nhóm.

Làm việc theo nhóm

Bước 1: Nhóm trưởng phân công công việc cụ thể cho các thành viên trong nhóm sao cho phù hợp với khả năng của từng thành viên.

Bước 2: Học sinh tiến hành thực hành trong thời gian khống chế (... phút). Nhóm trưởng điều hành và thư kí nhóm ghi chép kết quả theo tiến trình trong phiếu hoạt động nhóm. Giáo viên quan sát và giúp đỡ những nhóm khó khăn.

Bước 3: Các nhóm cử đại diện báo cáo kết quả thí nghiệm của nhóm. Ở bước này, giáo viên nên thiết kế cách báo cáo thật ngắn gọn, đầy đủ, có thể dễ dàng đối chiếu giữa các nhóm để học sinh nhận xét.

Những kết quả thu được chính là kết luận hoặc rất gần với kết luận cần rút ra, vì thế đặc biệt hiệu quả nếu giáo viên thiết kế cho học sinh báo cáo dưới dạng trò chơi, vừa có tác dụng tạo hứng thú vừa giúp học sinh dễ nhớ kiến thức thu được.

Ví dụ: Khi dạy Bài 22 “Thực hành: Quan sát cấu tạo ngoài và di chuyển của tôm sông”, giáo viên thiết kế phiếu học tập cho nội dung thực hành số 1 là ghim và quan sát cấu tạo ngoài của tôm sông.

Phiếu học tập được in sẵn lên một bảng lớn, chuẩn bị sẵn các miếng ghép ghi tên các bộ phận cấu tạo ngoài của tôm sông. Sau khi các nhóm hoàn thành phần quan sát và hoàn thành vào phiếu riêng của nhóm, giáo viên cho các nhóm chơi trò chơi tiếp sức.

Các nhóm lên dán các miếng ghép ghi tên các phần phụ vào vị trí tương ứng, nhóm nào dán đúng và hoàn thiện trước sẽ là nhóm chiến thắng.

Cuối cùng nhóm chiến thắng cử đại diện báo cáo trên mẫu vật tôm sông của nhóm đã ghim trên khay.

Tổng kết chung các nhóm

Bước 1: Phân tích kết quả đạt được của từng nhóm (có thể chọn 1 nhóm mẫu tốt nhất, 1 nhóm chưa thành công để phân tích). Giáo viên cùng học sinh xem xét các kết quả sai để tìm hiểu nguyên nhân, cách khắc phục. Từ đó rút kinh nghiệm để các nhóm không bị mắc sai sót trong các lần thực hành sau.

Bước 2: Tổ chức cho học sinh rút ra kiến thức, kết luận chung.

Dọn vệ sinh và đánh giá

Giáo viên cần rèn luyện cho học sinh thao tác vệ sinh nhanh gọn và cẩn thận, nếu không những mẫu động vật sẽ để lại mùi trong phòng thực hành; nhận xét và đánh giá về ý thức và kết quả của các nhóm.

Giáo viên phát bản thu hoạch cá nhân và yêu cầu học sinh về nhà viết lại bản thu hoạch thực hành.

Qua nhiều năm giảng dạy, vận dụng các biện pháp trên, qua các tiết thực hành, học sinh càng ngày càng hứng thú và thao tác càng chính xác, hình thành và phát triển tốt kĩ năng thực hành, gần giống với cách nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học.

Nhưng, việc rèn luyện kĩ năng thực hành cho học sinh đòi hỏi giáo viên kiên trì và tinh thần trách nhiệm cao. Bởi, không chỉ có kiến thức mà phương pháp tổ chức cho học sinh phát hiện và lĩnh hội tri thức mới hết sức quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.