Chủ động chuyển hướng
Ngày 1/6, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đã thông báo tạm dừng các hoạt động tại trường, đồng thời yêu cầu các bộ phận liên quan triển khai cho người lao động làm việc trực tuyến tại nhà cho đến khi có thông báo khác.
“Người vào trường làm việc phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu. Nhà trường yêu cầu cán bộ, giảng viên và nhân viên bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch…” - thông báo do Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn ký.
Theo đó, tất cả công việc từ tiếp nhận tin tức chỉ đạo đến triển khai công việc được trao đổi qua các group, nếu cần thảo luận thì họp online qua Google meeting hoặc Zoom. Nếu ai đó cần tài liệu trong máy tính ở cơ quan thì dùng Team Viewer để điều khiển máy tính từ xa. Ngoài ra, trong giai đoạn này, nhà trường cho phép bật máy tính 24/7, bảo đảm đường truyền để mọi người có thể truy cập máy tính của mình tại văn phòng từ xa…
Tương tự, các trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH), ĐH Văn Lang (VLU), ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM cũng cho cán bộ viên chức làm việc từ xa …
Trường ĐH Sư phạm TPHCM có trụ sở chính tại Quận 5, TPHCM nên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ. Theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE, nhà trường làm việc từ xa từ ngày 31/5. Nhìn chung, các hoạt động vẫn bảo đảm tiến độ và hiệu quả. “Những nhiệm vụ cần làm việc trực tiếp tại trường thì đăng ký lịch làm việc thông qua Phòng Tổ chức hành chính. Do năm ngoái đã làm việc theo hình thức này, nên năm nay nhìn chung mọi thứ vẫn ổn” - Phó Hiệu trưởng HCMUE chia sẻ.
Tại Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông IU cho biết: Từ ngày 24/5, trước khi có yêu cầu của UBND TPHCM, nhà trường đã bắt đầu cho giảng viên, cán bộ nhân viên trong trường chia ngày trực, làm việc tại nhà.
“Tôi phụ trách mảng truyền thông được ưu tiên có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, tôi và các bạn trong team nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện các đầu công việc mình cần làm theo phương án B.
Mọi thứ đều theo phương án online nên những thông tin tuyển sinh, thông tin về giảng viên, sinh viên chúng tôi đều sử dụng các hình thức gửi thông tin qua email, dùng mạng xã hội để kết nối và thực hiện nhiều hình ảnh đăng tải trên các kênh truyền thông của nhà trường…” - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Kiểm soát năng suất
Nói về những khó khăn, thuận lợi khi làm việc từ xa, TS Nguyễn Trung Nhân - Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cho biết: Từ ngày 10/5, 100% SV IUH học tập online, các phòng, ban đi làm 50% còn 50% ở nhà làm việc online. Đến thời điểm UBND TPHCM có chỉ đạo giãn cách hầu hết cán bộ, giảng viên, chuyên viên toàn trường làm việc online.
“Nhà trường triển khai làm việc online từ mùa dịch năm ngoái nên đã hình thành phong cách, văn hóa làm việc online. Các thành viên phối hợp giải quyết công việc rất nhịp nhàng, tất nhiên tiến độ giải quyết không thể nhanh như làm việc trực tiếp” - TS Nguyễn Trung Nhân chia sẻ .
Còn với ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (IU), ở nhà vừa làm việc vừa chăm con nhỏ nên có phần vất vả.
“Khó khăn của tôi là vừa làm việc vừa chăm con nhỏ. Thứ nữa là tình hình dịch thay đổi liên tục, phức tạp nên kế hoạch của chúng tôi đề ra từ tháng trước đến tháng này lại phải đổi để phù hợp hơn. Cứ vậy, cảm giác như đánh trận liên tục và dễ tụt hết cảm xúc làm việc.
Tuy nhiên, chúng tôi có thuận lợi riêng do đặc thù công việc và được Ban giám hiệu tin tưởng và trao cho những điều kiện làm việc tốt nhất có thể để hoàn thành công việc của mình làm. Bên cạnh đó, tôi có những đồng nghiệp chuyên môn tốt, tinh thần đoàn kết cao nên công việc được triển khai và thực hiện khá ổn, cho dù ai cũng thích làm việc tại trường hơn” - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Là người có nhiều trải nghiệm trong quá trình làm việc từ xa, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc đúc kết một số kinh nghiệm: Chắc chắn bạn sẽ thong thả hơn khi làm tại nhà, định uống vài ngụm cà phê và kiểm tra email nhưng chợt nhận ra thực tế là mình đang lướt Facebook, mạng xã hội các kiểu…