Trường đại học làm cầu nối tuyển dụng

GD&TĐ - Việc hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản đã gia tăng cơ hội thực tập nghề nghiệp và làm việc cho sinh viên tại hệ thống các đơn vị đối tác.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia phỏng vấn tuyển dụng trong chương trình phát triển nguồn nhân lực Nhật – Việt.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia phỏng vấn tuyển dụng trong chương trình phát triển nguồn nhân lực Nhật – Việt.

Thái độ quan trọng như kiến thức

Trần Chí Công, SV lớp Tin học xây dựng, khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa tham gia phỏng vấn tuyển dụng kỹ sư xây dựng làm việc tại Nhật Bản do nhà trường làm cầu nối.

Công cho biết: “Trước khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng, ứng viên cần tìm hiểu kỹ các thông tin về công ty mà mình tham gia ứng tuyển, “vốn liếng” tiếng Nhật cần chuẩn bị tốt nhất có thể”.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Công thì trong quá trình tham gia phỏng vấn nhóm, ứng viên cần có thái độ nghiêm túc, lắng nghe mọi người nói. “Chỉ cần bạn ngồi khom lưng hay có biểu hiện sao nhãng khi một ứng viên khác đang trình bày thì phía tuyển dụng cũng sẽ có sự đánh giá. Thường sinh viên sẽ có kỹ năng trình bày tốt nhưng kỹ năng nghe sẽ có sự hạn chế. Tâm lý chung là vì các ứng viên khác đang được phỏng vấn thì không liên quan nhiều đến mình. Đây là điều cần chú ý để điều chỉnh” – Công chia sẻ.

Tuyển dụng kỹ sư làm việc tại Nhật Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.jpg
Những sinh viên đầu tiên của Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình phát triển nguồn nhân lực Nhật – Việt.

Tốt nghiệp tháng 5/2024, Đặng Thành Long đã có một thời gian ngắn làm một số công việc liên quan đến xây dựng, dù chưa chính thức tham gia phỏng vấn tuyển dụng.

Trước khi dự phỏng vấn tuyển dụng, Long có tìm hiểu một số câu hỏi, tình huống hay gặp trong quá trình tham gia ứng tuyển… Theo như Long chia sẻ, phía công ty tuyển dụng không hỏi quá nhiều về kiến thức chuyên ngành mà hỏi nhiều hơn về phương pháp học tiếng Nhật của mỗi bạn, có gặp khó khăn gì trong quá trình học không và những cách thức để khắc phục trở ngại… Vì vậy, theo Long, cơ hội của mỗi ứng viên trong tham gia phỏng vấn nhóm là như nhau.

Theo kinh nghiệm của Đặng Thành Long thì trong khi trả lời phỏng vấn, ngoài sự tự tin thì ứng viên cần hạn chế sử dụng tiếng Anh, ưu tiên tối đa việc trao đổi bằng tiếng Nhật và cố gắng diễn đạt đơn giản. Kỹ năng mềm gần như là lợi thế của mỗi ứng viên khi phỏng vấn nhóm. Thời gian phỏng vấn nhóm thường kéo dài hơn phỏng vấn cá nhân nên cần hạn chế sự sao nhãng dù chưa đến lượt mình trả lời.

Hướng tới mục tiêu kép

Trần Chí Công và Đặng Thành Long là khóa kỹ sư đầu tiên trong chương trình được ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và liên danh công ty cổ phần HANABI, công ty cổ phần HASHIMOTOGUMI từ tháng 8/2023. Nội dung hợp tác bao gồm: tổ chức đào tạo tiếng Nhật, tổ chức Hội thảo chuyên đề cho các sinh viên tham gia vào chương trình phát triển nguồn nhân lực Nhật – Việt, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện đi làm việc tại Nhật Bản.

Sinh viên tham gia chương trình được miễn phí kinh phí đào tạo tiếng Nhật và tuyển dụng.

Khóa đào tạo tiếng Nhật đầu tiên gồm 7 kỹ sư đã tốt nghiệp, đủ điều kiện về tiếng Nhật sẽ tham gia vào đợt phỏng vấn này. 3 công ty tham gia tuyển dụng bao gồm: Công ty cổ phần OZAWA DOBOKU, Công ty cổ phần TOKYO TECHNO, Công ty cổ phần TOPY.

Phỏng vấn Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.jpg
Các tân kỹ sư xây dựng tham gia phỏng vấn nhóm.

PGS.TS Nguyễn Chí Công, Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Sau một năm thực hiện, chương trình đào tạo tiếng Nhật cho sinh viên các ngành: Tin học xây dựng, Kỹ thuật và quản lý xây dựng Đô thị thông minh, Kỹ thuật xây dựng Công trình thuỷ đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan. Những thành công ban đầu của chương trình hợp tác này sẽ truyền cảm hứng cho các khoá đào tạo tiếp theo”.

Trong điều kiện tình trạng thiếu nhân lực trong ngành Xây dựng Nhật khá trầm trọng; nguồn lao động kỹ sư chất lượng cao đang ít dần, cần có thế hệ kế thừa thì tham gia vào chương trình này là cơ hội rất lớn cho các sinh viên đăng ký các ngành học nói trên có nhu cầu đi Nhật làm việc theo diện kỹ sư.

Đặng Thành Long cho biết, trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, phía đại diện công ty Ozawa Doboku có hỏi thêm về khả năng sử dụng tiếng Anh. “Thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật là một lợi thế để người lao động làm việc trong môi trường đa quốc gia” – Long cho biết.

Kết quả hoạt động hợp tác doanh nghiệp, trong đó có đối tác nước ngoài đã góp phần bảo đảm hiệu quả hoạt động của các chương trình đào tạo liên kết chất lượng cao được triển khai tại trường như: chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp, chương trình liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản (3+2)… của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu cv online đẹp nhấtTạo cv template thu hút