Đánh giá ngoài Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn châu Âu

GD&TĐ - Ngày 30/11, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khai mạc đợt đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học lần thứ 2 theo tiêu chuẩn của HCERES.

Đoàn đánh giá ngoài cùng đại diện Trường ĐH Bách khoa và ĐH Đà Nẵng tại lễ khai mạc.
Đoàn đánh giá ngoài cùng đại diện Trường ĐH Bách khoa và ĐH Đà Nẵng tại lễ khai mạc.

Đợt đánh giá ngoài cơ sở giáo dục đại học lần thứ hai theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng kéo dài đến ngày 2/12.

Đoàn đánh giá ngoài bao gồm 7 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục đại học của Tổ chức HCERES.

Đoàn đánh giá sẽ thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của trường Đại học; thực hiện phỏng vấn trực tiếp Ban Giám hiệu và Chủ tịch Hội đồng trường, Đại diện Hội đồng trường và Hội đồng Khoa học và Đào tạo, lãnh đạo Khoa/Phòng/Trung tâm, Giảng viên, Nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, lãnh đạo các trung tâm nghiên cứu (vườn ươm, nền tảng kỹ thuật, sở hữu trí tuệ,...), cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, đối tác nghiên cứu và học thuật trong nước, các đối tác học thuật quốc tế và sinh viên di chuyển trong và ngoài nước, sinh viên đang học tại trường, cán bộ chuyên viên...

Phiên phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng trường và Ban Giám hiệu của Đoàn khảo sát.
Phiên phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng trường và Ban Giám hiệu của Đoàn khảo sát.

Sẽ có 22 phiên phỏng vấn, khảo sát,... nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của nhà trường.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng lần đầu tiên đạt chuẩn kiểm định cấp trường của Tổ chức kiểm định châu Âu HCERES năm 2017 cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh.

Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 3 lĩnh vực: quản trị và điều hành; Chính sách nghiên cứu Khoa học, Đổi mới sáng tạo; Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập. Phiên bản mới 2022 của HCERES có 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí.

Kiểm định bởi các tổ chức nước ngoài như ASIIN, AUN-QA, HCERES được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục. Sự tham gia đánh giá ngoài chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn HCERES khẳng định Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng luôn sẵn sàng trong việc đáp ứng chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

HCERES là một tổ chức kiểm định được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu - ENQA và Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục đại học châu Âu (EHEA). Tại Việt Nam, HCERES đã thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục lần đầu tiên vào năm 2017. Tính đến nay, HCERES đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục tại 6 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ