Trường đại học 'khát' giáo sư

GD&TĐ - Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2023 cho 630 nhà giáo.

Giờ học trong phòng lab của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: PV
Giờ học trong phòng lab của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: PV

Đây là căn cứ để các viện, trường đại học bổ nhiệm GS, PGS mới. Tuy nhiên, trừ một số đại học lớn như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, nhiều trường đại học ở khu vực miền Trung vẫn “trắng” PGS, GS.

“Vùng trũng” đào tạo sau đại học

Có nhiều thời gian làm công tác kiểm định chất lượng, GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Các cơ sở giáo dục công lập như Trường ĐH Vinh, 2 đại học vùng gồm ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng đạt bình quân 8,11% GS, PGS/tổng giảng viên cơ hữu. Trường ĐH ngoài công lập duy nhất có số lượng GS, PGS cao là Trường ĐH Duy Tân với 8 GS và 58 PGS, đạt 7,4%; nhưng chủ yếu qua tuyển dụng người lớn tuổi; số liệu ứng viên được bổ nhiệm từ nguồn do Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chưa nhiều, bình quân 5 năm qua khoảng 20 PGS”.

Một số trường như: ĐH Hà Tĩnh, ĐH Quảng Bình, ĐH Quảng Nam, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Phú Yên, ĐH Xây dựng Miền Trung… chỉ có 1 đến 2 PGS. Có trường như ĐH Phạm Văn Đồng, trước đây có 1 PGS nhưng nay đã nghỉ hưu, nên dù một số ngành có thế mạnh, đủ số lượng tiến sĩ theo quy định và muốn mở đào tạo cao học vẫn chưa đủ điều kiện do “trắng” PGS.

Theo lý giải của GS.TS Trần Văn Nam, tình trạng khan hiếm PGS của một số trường đại học ở miền Trung là do các “điều kiện cứng” trong xét duyệt theo tiêu chuẩn mới. Theo đó, các tiến sĩ muốn trở thành PGS ngoài yêu cầu có 3 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus, còn phải hướng dẫn tối thiểu 2 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

“Một số trường ĐH ngoài công lập đang trên đà phát triển và thành lập trên 15 năm như Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Đông Á, ĐH Phú Xuân… nhưng số GS, PGS còn khiêm tốn, những năm gần đây cũng chưa thấy các tiến sĩ của trường làm ứng viên GS, PGS. Trở ngại chính do chưa có đào tạo sau đại học”, GS.TS Trần Văn Nam nhận xét.

ĐH Đà Nẵng vinh danh các giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm năm 2022. Ảnh: ĐH Đà Nẵng cung cấp

ĐH Đà Nẵng vinh danh các giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm năm 2022. Ảnh: ĐH Đà Nẵng cung cấp

Cần chính sách thu hút chuyên gia đầu ngành

TS Kiều Thị Kính - Khoa Giáo dục Mầm non, Trường ĐH Sư phạm là 1 trong 18 nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2023. Đây là một trong số nữ ứng viên đạt chuẩn PGS trẻ nhất đối với ngành Giáo dục học.

Bảo vệ học vị tiến sĩ chuyên ngành Quản lý môi trường tại ĐH Kyoto (Nhật Bản), TS Kiều Thị Kính có bề dày nghiên cứu khoa học đầy ấn tượng với 6 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, nữ tiến sĩ 8X đã công bố 26 bài báo khoa học, trong đó 7 bài thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín; xuất bản 6 cuốn sách, giáo trình; hướng dẫn 3 học viên cao học bảo vệ thạc sĩ…

Năm 2023, số lượng nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của ĐH Đà Nẵng tăng gấp đôi so với năm 2022. Tuy nhiên, cả 18 nhà giáo đều chỉ đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, không có GS nào bổ nhiệm mới.

ĐH Đà Nẵng có nhiều nỗ lực đào tạo tiến sĩ, nâng cao số lượng GS, PGS bằng giải pháp đào tạo sau đại học, các công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí uy tín WoS/Scopus. Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng thực hiện hơn 100 đề tài khoa học công nghệ các cấp đem lại những kết quả, tri thức, sản phẩm khoa học và ứng dụng mới, công bố hơn 500 bài báo khoa học trên tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus, tăng 8% so với năm học trước).

Tỷ lệ số công bố quốc tế (WoS, Scopus) đạt 0,6 bài/tiến sĩ; Mức độ ảnh hưởng khoa học thể hiện qua các chỉ số trích dẫn trên Google Scholar và H-Index tăng gần 2 lần; Chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng với tổng kinh phí đạt gần 70 tỷ đồng.

Theo báo cáo công khai của các đơn vị trong cả nước cho thấy, số GS, PGS tập trung ở cơ sở giáo dục đại học, đơn vị có truyền thống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Vinh.

“Các ứng viên từ các trường ĐH ngoài công lập trong 5 năm trở lại đây tăng lên, nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Điều này cho thấy các GS, PGS đang giảng dạy tại đây chủ yếu vẫn là những người đã nghỉ hưu từ các cơ sở công lập”, GS.TS Trần Văn Nam nhận xét.

Vì vậy, các trường ở khu vực miền Trung muốn trở thành đại học “đúng nghĩa” thì ngoài đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phải có đào tạo sau đại học.

Ngoài ra, cần có chính sách hấp dẫn để thu hút giảng viên là GS, PGS đến công tác. Đây là con đường bền vững nhất bởi nếu không đủ số lượng GS, PGS cơ hữu thì các trường đại học không thể mở ngành đào tạo sau đại học. Những GS khi nghỉ hưu, dù được trường đại học tiếp tục ký hợp đồng lao động nhưng không được tính giảng viên cơ hữu mà chỉ là công tác theo dạng thỉnh giảng.

Những ứng viên sau khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn, mà không cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm thì chưa được gọi là GS, PGS. Theo lý giải của GS.TS Trần Văn Nam, “Nhà nước cũng mong muốn các ứng viên không được bổ nhiệm ở các đại học lớn, có thể về đại học tại địa phương đăng ký bổ nhiệm làm GS, PGS. Tuy nhiên việc này, trong các năm qua chưa có kết quả vì tất cả đơn vị đều “khát” GS, PGS”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.