Trường đại học hỗ trợ thiết bị học trực tuyến: Nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo

GD&TĐ - Chia sẻ với khó khăn của sinh viên về máy móc học tập và đường truyền, nhiều trường đại học thời gian qua đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ.

Một sinh viên đang học trực tuyến
Một sinh viên đang học trực tuyến

Chính sách lớn từ Nhà nước, bộ ngành

Với phương châm đồng hành và chia sẻ cùng học sinh, sinh viên trong bối cảnh phải học trực tuyến, Chính phủ đã chính thức thông qua gói tín dụng trị giá 3.500 tỉ đồng để hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn vay mua máy tính, thiết bị học tập.

Theo đó, đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến (đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ bám sát theo chủ trương hỗ trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”), chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.

Mức cho vay cho mỗi học sinh, sinh viên tối đa là 7 triệu đồng. Thời hạn cho vay dưới một năm, lãi suất cho vay là 0% một năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%, bằng với mức cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay. Khi triển khai thành công và hoàn thành sẽ có 500.000 học sinh, sinh viên được hỗ trợ thiết bị học tập online.

Theo Th.s Nguyễn Bá Anh- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, với bối cảnh khó khăn chung hiện nay, việc gói vay ưu đãi 3.500 tỉ đồng được triển khai sớm sẽ giúp vơi bớt gánh nặng cho nhiều sinh viên. Bởi trong thực tế không phải sinh viên nào cũng có điều kiện trang bị cho mình một máy tính, nhất là với sinh viên tại các vùng nông thôn, kinh tế khó khăn.

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nhận máy tính được tặng để học trực tuyến
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM nhận máy tính được tặng để học trực tuyến

Nhà trường linh hoạt hỗ trợ sinh viên thiếu thiết bị học tập

Để chủ động giảm thiểu tối đa những khó khăn, bất tiện cho sinh viên vì thiếu thiết bị mà không thể học online, nhiều trường đại học đã phát động phong trào "máy tính cũ cho bạn" . 

Đơn cử như Công đoàn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Tất Thành đã vận động và xin được hàng chục bộ máy tính để bàn, laptop, điện thoại cũ để gửi cho các sinh viên không có thiết bị học trực tuyến. 

Th.s Phùng Quán- Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cho biết việc vận động, hỗ trợ sinh viên thiếu thiết bị học tập nằm trong kế hoạch chung của Nhà trường trong việc chăm lo, hỗ trợ sinh viên khó khăn bị mắc kẹt tại TP. 

"Nhiều sinh viên do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 không thể về quê buộc ở lại TP và thiếu thiết bị học tập sẽ được chúng tôi tiếp nhận thông tin và vận động cán bộ, giảng viên trong nhà trường ai có thiết bị cũ thì hỗ trợ... Ngoài ra, chương trình cũng hướng đến những sinh viên khó khăn ở quê thiếu thiết bị dưới nhiều hình thức" - Th.s Phùng Quán cho biết.

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM  có hẳn Chương trình hỗ trợ sinh viên học tập trực tuyến do Ban Liên lạc Cựu sinh viên phối hợp với Đoàn Thanh niên trường triển khai nhằm vận động sự ủng hộ từ doanh nghiệp, các tổ chức, cựu sinh viên, nhà hảo tâm cùng đồng hành, hỗ trợ trang thiết bị, cho sinh viên mượn máy tính phục vụ việc học tập.

Chương trình đã tiếp sức được hàng chục sinh viên khó khăn, thiếu thiết bị học tập, trong đó 28 sinh viên được hỗ trợ ipad, 8 sinh viên được hỗ trợ máy tính và điện thoại và 601 sinh viên được hỗ trợ cước phí Internet 4G.

Không chỉ hỗ trợ thiết bị, phần nhiều các trường ĐH-CĐ khi triển khai học trực tuyến cho sinh viên đều thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học trực tuyến. Trường nào linh động và kết nối được với doanh nghiệp tốt thì hỗ trợ chi phí cước 4G cho sinh viên theo tháng, thậm chí trao tặng cả laptop cho sinh viên khó khăn. Còn lại thì hỗ trợ chi phí cước 3G, 4G từ 200-500.000 đồng. 

Ông Nguyễn Thanh An- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên & Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Luật TPHCM cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay trường đã thực hiện đồng loạt nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên như trao tiền mặt, hỗ trợ cước internet trong học trực tuyến...với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Hiện trường vẫn luôn lắng nghe và nghi nhận các trường hợp sinh viên khó khăn để hỗ trợ trong khả năng của mình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.