Trường đại học hỗ trợ khẩn cấp sinh viên “mắc kẹt” vì giãn cách

GD&TĐ - Khi TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều sinh viên không thể về quê và bị mắc kẹt lại TP.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM tặng tiền cho KTX của nhà trường để chăm lo đời sống cho sinh viên kẹt lại TP vì dịch.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM tặng tiền cho KTX của nhà trường để chăm lo đời sống cho sinh viên kẹt lại TP vì dịch.

Nhằm động viên và chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch đối với sinh viên, các trường ĐH - CĐ đã có biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.

Hỗ trợ nhu yếu phẩm

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có tới 400 sinh viên bị “mắc kẹt” lại TPHCM vì nhiều lý do. Sau hàng loạt văn bản và lệnh cấm được UBND TP ban hành khi thực hiện Chỉ thị 16, hàng quán nghỉ bán, dịch vụ ăn uống không còn, sinh viên gặp muôn vàn khó khăn.

Để hỗ trợ sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên, cựu sinh viên đã chuyển những thông tin trong các group nội bộ như cựu giáo chức NLU, cựu sinh viên, các group về doanh nhân doanh nghiệp, báo chí… Nhờ thế, khó khăn của sinh viên nhanh chóng được giải quyết.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Nghe tin sinh viên Nông Lâm ở KTX gặp khó khăn, hàng loạt cán bộ, cựu sinh viên đã chuyển tiền, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các em. Đơn cử, nhóm thiện nguyện Liên Tâm hỗ trợ khẩn 390 phần quà gồm đường, mì gói, sữa, bánh, khẩu trang. Nhóm Cỏ May hỗ trợ 400 suất ăn trưa cho sinh viên vào các ngày trong tuần. Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam hỗ trợ hàng trăm bình nước…

“Các nhà hảo tâm luôn sẵn sàng mở lòng, đồng hành cùng sinh viên khi biết các em gặp khó khăn. Dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, chỉ cần nghe thông tin sinh viên cần hỗ trợ, các cựu sinh viên, doanh nhân đều sẵn sàng”, TS Lý cho biết.

Tương tự, một nhóm cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tài chính Marketing cũng nhanh chóng triển khai hàng trăm phần quà, suất cơm, các nhu yếu phẩm chuyển tới hơn 60 sinh viên nhà trường đang mắc kẹt trong KTX và rơi vào cảnh thiếu hụt nhu yếu phẩm.

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông nhà trường, phần lớn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê, hoặc địa phương trong vùng phong tỏa nên khi “mắc kẹt” lại  TP gặp rất nhiều khó khăn.

“Nhóm chúng tôi không chỉ tiếp sức các sinh viên khó khăn ở KTX, mà còn tiếp sức cho sinh viên của UFM ở nhiều khu vực phong tỏa. Các em chỉ cần thông tin và liên hệ với Công đoàn, hội sinh viên nhà trường, chúng tôi sẽ thu xếp để hỗ trợ tối đa”, ThS Phụng chia sẻ.

Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng thực hiện công tác chăm lo đời sống cán bộ, giảng viên, công nhân viên, sinh viên mùa dịch với hàng trăm suất quà nhu yếu phẩm thiết yếu. Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng nhà trường, không chỉ là gạo, mì gói, đường sữa, khẩu trang… phục vụ nhu cầu hàng ngày, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hiện nhiều hỗ trợ thiết thực khác với sinh viên gặp khó khăn vì dịch. Ngoài tiền mặt, 1 suất quà gồm nhiều nhu yếu phẩm, nếu sinh viên nào khó khăn mà không thể đóng học phí, nhà trường cũng xem xét hỗ trợ, giảm theo tỉ lệ cho các em.

Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM học online.
Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM học online.

Quyết không để sinh viên đói

Trước đó, để chia sẻ và tiếp sức cho sinh viên “mắc kẹt” lại TP bớt khó khăn, Trường ĐH Mở TPHCM hỗ trợ 300 suất học bổng, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng cùng nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh viên trong suốt 15 ngày giãn cách chống dịch.

GS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết: Sinh viên thật sự rất khó khăn, ngay sau đợt giãn cách xã hội đầu tiên, các em đã cố gắng để vượt qua. Tuy nhiên, đến đợt giãn cách thứ 2, nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không thể về quê đã không còn chịu nổi.

“Vì vậy, ngay khi tiếp nhận thông tin sinh viên gặp khó, Ban Giám hiệu nhà trường khẩn cấp thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ với phương châm không để sinh viên khó khăn, thiếu ăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Ban Giám hiệu trường vừa hỗ trợ 1.000 phần quà gồm 500 thùng mì và 2,5 tấn gạo cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đã hết lương thực, thực phẩm. Nhà trường tiếp tục vận động thêm kinh phí để tăng số suất hỗ trợ cho sinh viên”, GS Hà nói.

Để sinh viên không bị thiếu thốn, khó khăn mùa dịch, đại diện Ban Thường vụ Đoàn Trường và Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng  trao tặng số tiền mặt 107 triệu đồng cho KTX để chăm lo đời sống cho sinh viên tại đây.

Số tiền trên được Ban Thường vụ Đoàn Trường, Ban Thư ký Hội Sinh viên trường, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và phát triển khởi nghiệp vận động hỗ trợ trong thầy, cô và các nhà hảo tâm. Ngày 10/7, nhà trường vận động được số tiền 139 triệu đồng, 400 suất ăn, 150 thùng mì tôm, 15 thùng sữa và 7 phần quà nhu yếu phẩm hỗ trợ các bạn sinh viên tại KTX, bảo đảm sinh viên không bị thiếu ăn.

Cũng trong tâm thế “sinh viên khó, có Nhà trường”, trong khoảng 1 tuần qua, Trường ĐH Luật TPHCM đã thực hiện rất nhiều công tác hỗ trợ trực tiếp đến sinh viên của trường đang “mắc kẹt” tại TPHCM.

Để hỗ trợ sinh viên khó khăn vì dịch Covid-19 trong sinh hoạt, ông Trần Minh Sơn - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM thông tin: Nhà trường đã trích 600 triệu đồng để hỗ trợ mỗi sinh viên 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, trường cũng hỗ trợ mỗi sinh viên 200.000 đồng để học online; tổ chức minigame dành riêng cho sinh viên ĐH Luật TPHCM, liên kết hỗ trợ cho sinh viên khó khăn vay mua laptop học trực tuyến với giá thành ưu đãi…

 “Khi đến khảo sát cũng như thăm hỏi, tặng quà cho một số sinh viên, chúng tôi thấy cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các em rất khó khăn. Một số em được gia đình gửi vỏn vẹn 500.000 đồng/tháng, thậm chí có bạn chỉ được gia đình hỗ trợ tiền học phí, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền trọ thì phải tự đi làm thêm để trang trải. Tuy nhiên, sinh viên không thể đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt trong giai đoạn này. Hàng ngày, nhiều em chỉ tiêu từ 10.000 – 20.000 đồng để chi cho ăn uống, sinh hoạt”, ông Trần Minh Sơn nói.

Em Lê Thị Hạ Sang (sinh viên lớp DS43.3, Trường ĐH Luật TPHCM) bày tỏ: “Sự hỗ trợ của nhà trường cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không chỉ là món quà vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần tiếp thêm động lực giúp chúng em vượt qua giai đoạn này”.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.