Theo đó, những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt 90/150 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội; hoặc 750/1200 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ đủ điều kiện trúng tuyển để nộp hồ sơ đăng ký vào Trường Đại học FPT.
Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. HCM được tổ chức lần lượt tại nhiều điểm thi trên toàn quốc. Bài thi được thực hiện dưới hình thức thi trên máy tính. Thi xong, nếu máy tính thông báo điểm thi ngay, thí sinh có thể biết mình có đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký vào Đại học FPT không.
Chia sẻ thêm về điểm mới trong phương thức tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học FPT, bà Vũ Thu Chinh - Giám đốc tuyển sinh - cho biết: Trường không chọn hình thức xét điểm thi từ cao xuống thấp để định ra điểm chuẩn, mà chọn phương thức đánh giá bằng ngưỡng chất lượng đầu vào.
Sở dĩ trường đưa ra ngưỡng điểm đầu vào này ngay từ đầu, vì xác định việc chờ có kết quả thi của thí sinh rồi mới công bố điểm chuẩn thực chất là hoặc do đề thi không chuẩn, hoặc là phương thức tuyển theo chỉ tiêu chứ không phải tuyển theo chất lượng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điểm đánh giá năng lực này của Trường Đại học FPT sẽ giúp giảm tải áp lực thi cử cho thí sinh và gia đình, giúp các em sớm chọn trường chọn ngành cũng chính là giảm tải phần nào công tác lọc ảo sau đó của các trường đại học.
Năm 2022, Trường Đại học FPT tuyển trên 16 nghìn chỉ tiêu cho các ngành: Công nghệ thông tin, Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc. Trúng tuyển Đại học FPT, sinh viên có thể theo học tại một trong các cơ sở đào tạo của trường ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn (dự kiến).
Ngoài dùng điểm Đánh giá năng lực, Trường Đại học FPT còn tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, theo học bạ Trung học phổ thông và theo các phương thức khác; với các điều kiện trúng tuyển khác nhau.