Thi đánh giá năng lực: Mang kỳ thi đến gần với thí sinh hơn

GD&TĐ - Là đơn vị đầu tiên trong năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) riêng, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhận được sự tin tưởng khá lớn của thí sinh và các trường đại học, cao đẳng.

Đợt thi HSA-201 vừa được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Đợt thi HSA-201 vừa được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, năm 2022, các phương án tuyển sinh của ĐHQGHN cơ bản ổn định như năm 2021. Điểm khác biệt duy nhất là chỉ tiêu phân bổ theo từng phương thức có thể thay đổi so với năm 2021.

Các ngành/nhóm ngành đào tạo có điểm chuẩn cao sẽ dành nhiều chỉ tiêu hơn cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL học sinh THPT (HSA). Cách thức xét tuyển năm 2022 cũng sẽ linh động, chủ động hơn đối với các trường/khoa về thời gian. Các đơn vị sẽ có kế hoạch xét tuyển phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học sinh từ các nguồn tuyển và tuyển chọn được các thí sinh chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, nếu kể cả các khoa/trường đại học của ĐHQGHN, Đại học Thái Nguyên thì sẽ có hơn 60 đơn vị đào tạo sử dụng kết quả bài thi HSA phục vụ tuyển sinh.

Có thể có nhiều lý do như: Tính tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng cao; thời gian và phương thức xét tuyển linh động, phù hợp bối cảnh hiện tại; chất lượng bài thi HSA được khẳng định; thêm cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào các nhóm ngành/trường có điểm chuẩn cao; các trường tuyển chọn được thí sinh chất lượng; cách thức tuyển sinh từ kết quả bài thi ĐGNL phù hợp với thông lệ tuyển sinh quốc tế…

Về ý kiến băn khoăn, đa số học sinh trung học phổ thông ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi ĐGNL, điều này có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh?  GS.TS Nguyễn Tiến Thảo trao đổi: Bài thi ĐGNL hướng tới nhiều mục đích, trong đó có phục vụ xét tuyển đại học. Chúng ta cần lưu ý rằng hầu hết các trường đại học đều sử dụng tối thiểu 3 phương thức tuyển sinh. Do đó thí sinh có nhiều con đường để vào đại học.

Đối với bài thi HSA, ĐHQGHN đã có chính sách hỗ trợ lệ phí cho thí sinh thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, thí sinh dân tộc, miền núi... để các bạn tham dự kỳ thi. Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cũng tổ chức thi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để mang kỳ thi đến gần với thí sinh hơn, tạo điều kiện địa lý thuận lợi cho thí sinh.

Hơn nữa, bài thi HSA chỉ thực hiện trong 1 buổi, thí sinh được phép lựa chọn ca thi (giờ thi) nên càng chủ động kế hoạch di chuyển. Với các thí sinh bộ đội cũng không gặp khó khăn gì nếu bạn được phép tiếp cận Internet để đăng ký ca thi trực tuyến. Thời gian đăng ký cũng chỉ mất tối đa 5-10 phút. Quyền lợi của thí sinh bộ đội hay thí sinh tự do là bình đẳng như nhau.

“Chúng tôi đã tổ chức đợt thi HSA-201 trong hai ngày 26 và 27/2. Với bài thi HSA đã được công bố đề tham khảo và được làm thử trực tuyến tại http://khaothi.vnu.edu.vn/ nên thí sinh không gặp khó khăn gì. Một số thí sinh bối rối đôi chút khi làm các câu hỏi điền đáp án vì loại câu hỏi này các bạn ít được luyện tập trước” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho hay, đồng thời lưu ý:

Thí sinh cần tương tác với máy tính liên tục để bảo đảm đường truyền luôn được duy trì tốt. Sau 10 phút thí sinh không có bất cứ thao tác gì, cán bộ coi thi sẽ nhắc thí sinh tương tác với máy tính. Do đó, với các câu hỏi khó, các bạn hãy bỏ qua và quay trở lại sau nếu còn thời gian để có thể trả lời nhiều câu hỏi nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ