Thi đánh giá năng lực: Khẳng định chất lượng từ thực tế

GD&TĐ - Con số gần 50 cơ sở giáo dục sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Hà Nội, hơn 80 cơ sở của ĐHQG TPHCM chưa dừng lại.

Cán bộ coi thi kiểm tra đối chiếu hồ sơ thí sinh trước cửa phòng thi (Kỳ thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội năm 2021).
Cán bộ coi thi kiểm tra đối chiếu hồ sơ thí sinh trước cửa phòng thi (Kỳ thi ĐGNL ĐHQG Hà Nội năm 2021).

Bài thi ĐGNL của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có gần 20 trường đăng ký lấy kết quả để xét tuyển. Thi ĐGNL đã ngày càng khẳng định tính ưu việt, được nhiều thí sinh và nhà trường đánh giá cao về sự khách quan, chính xác trong việc đánh giá thí sinh.

Sức hút ngày càng lớn

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ĐHQG Hà Nội là đổi mới chính sách tuyển sinh theo hướng tiếp cận năng lực của từng học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chất lượng đầu ra thích ứng nhanh với thị trường lao động. Năm 2022, ĐHQG Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để làm cơ sở tuyển sinh đầu vào. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo chủ động bổ sung thêm các phương thức xét tuyển phù hợp khác để tuyển sinh thích ứng theo ngành đặc thù…

Hiện có gần 50 cơ sở giáo dục đại học đề nghị ĐHQG Hà Nội chia sẻ tài nguyên, kết quả thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh năm 2022. Con số các trường ĐH lấy kết quả của kỳ thi này chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Theo Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo, dữ liệu phân tích kết quả thi năm 2021 cho thấy bài thi ĐGNL phục vụ tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học hiệu quả. Bài thi đảm bảo tính phân loại cao, đánh giá học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn.

Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM năm 2022 dự kiến được tổ chức tại 17 địa phương và có hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển một phần chỉ tiêu trong năm nay. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, năm nay kỳ thi này được tổ chức 2 đợt vào ngày 27/3 và 22/5. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh bằng đánh giá năng lực năm 2022 của các trường thành viên ĐHQG TPHCM tăng lên. Trong đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dành đến 70%, Trường Đại học Kinh tế - Luật là 60%, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là 50% chỉ tiêu...

Đại học Bách khoa Hà Nội với kỳ thi đánh giá tư duy cũng thu hút đông đảo thí sinh và các trường đăng ký tham gia lấy kết quả xét tuyển sinh trong năm 2022 này. PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Nhiều trường đại học, đặc biệt là trường khối ngành kỹ thuật công nhận và xét tuyển đại học dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Bách khoa Hà Nội. Để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh làm quen với kỳ thi, nhà trường sẽ tổ chức thi thử.

Phòng thi đảm bảo nghiêm ngặt quy chế của kỳ thi.
Phòng thi đảm bảo nghiêm ngặt quy chế của kỳ thi.

Đề cao trách nhiệm

Trường ĐH Trà Vinh sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong đó có lấy kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM. PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Bài thi đã chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Thêm nữa đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT của Hoa Kỳ và đề thi của Anh. Chúng tôi mong muốn có nhiều thí sinh lấy kết quả dự kỳ thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM đăng ký xét tuyển vào trường vì thực tế những thí sinh đã qua kỳ thi này có năng lực học tập rất tốt”.

Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đã quyết định dùng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội cho cơ sở chính Hà Nội và Quảng Ninh; kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM cho cơ sở 2 tại đây. “Mùa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Ngoại thương sẽ dùng kết quả thi ĐGNL của 2 ĐHQG để xét tuyển sinh. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm tài chính để khẳng định trách nhiệm gánh vác chung của trường”, PGS.TS Phạm Thu Hương cho biết đồng thời thông tin:

Những sinh viên trúng tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực ở cả cơ sở TPHCM và Hà Nội của Trường Đại học Ngoại thương đều tiếp cận và hội nhập hết sức nhanh chóng với các hoạt động tại hơn 30 câu lạc bộ, tham gia tích cực hoạt động ngoại khóa của trường. Qua cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, “Khởi nghiệp cùng Kawaii”, “Câu lạc bộ Marketing”, “Bản Lĩnh Marketers”, “Câu lạc bộ Chứng Khoán với cuộc thi I-Invest…, các em đều thể hiện kiến thức tổng hợp, khả năng thích ứng năng động, linh hoạt trong mọi hoạt động cho đến việc thể hiện kiến thức chuyên môn kết hợp với hiểu biết rộng tại cuộc thi.

Các kỳ thi ĐGNL được các trường lấy kết quả xét tuyển sinh ngày càng nhiều, điều này cho thấy tính ưu việt của kỳ thi này. Có những trường kỹ thuật như Đại học Giao thông Vận tải, ĐH Kỹ thuật Hưng Yên đã… lấy kết quả của cả 2 kỳ thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay: “Chúng tôi tìm hiểu và đánh giá cao tính phù hợp của bài thi ĐGNL với yêu cầu tuyển sinh của trường nên đã dành 30% chỉ tiêu của khối ngành kỹ thuật để xét tuyển dựa trên bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường cũng dành chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội”.

NGƯT Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cho rằng, nếu lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay để tuyển sinh, sẽ khó duy trì số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Thi ĐGNL là cách thức đánh giá toàn diện, khách quan và chính xác, phù hợp cho tuyển sinh đại học hơn cả. Qua nắm bắt ý kiến của học sinh, các em đều đánh giá cao kỳ thi này và nhiều em đã tham khảo các bài thi ĐGNL để làm quen. Nhà trường cũng giao nhiệm vụ cho các thầy cô giáo, song song với việc dạy học trực tiếp, kết hợp ôn luyện giúp học sinh làm quen với bài thi ĐGNL, có tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.