Tầm nhìn và tư duy
Chuyển đổi số trong giáo dục mở ra một môi trường học tập mang tính kết nối. Đây được xem là hệ sinh thái tích hợp giữa công nghệ, dịch vụ, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Những năm qua, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) luôn chú trọng quan tâm đến việc tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý quá trình đào tạo, quá trình dạy - học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/ĐU của BCH Đảng bộ Đại học Thái Nguyên về Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu đến năm 2025, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ trở thành một trong các đại học số hàng đầu trong cả nước, để đạt được điều đó nhà trường đã và đang tập trung triển khai nhiều nội dung.
Cụ thể, nhà trường đã thống nhất về quan điểm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình, các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số; ban hành Nghị quyết số 56/NQ-DU về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Trong Nghị quyết đã chỉ rõ các trụ cột của chuyển đổi số bao gồm: Thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành của trường và các đơn vị chức năng dựa trên nền tảng số; chuyển đổi mô hình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sang mô hình nền tảng số; chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động của trường.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. |
Một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình chuyển đổi số chính là thay đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ giảng viên trong toàn trường. Để thực hiện được nội dung này, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, giảng viên năm 2022. Nội dung tập huấn nhằm đổi mới tư duy và năng lực ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý của đội ngũ cán bộ Lãnh đạo cho đến đội ngũ giảng viên, đảm bảo thích ứng nhanh, khai thác tối đa trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý và công tác giảng dạy của toàn trường.
Đổi mới toàn diện
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã và đang thay đổi phương pháp giảng dạy từ mô hình truyền thống sang mô hình đào tạo kết hợp nhằm tăng tính chủ động trong việc tiếp thu tri thức, đáp ứng được yêu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt tập huấn cho các giảng viên về các nội dung: Tập huấn về phương pháp giảng dạy theo hình thức kết hợp, xây dựng kịch bản giảng dạy theo hình thức kết hợp cho toàn thể giảng viên trong trường. Sử dụng trang thiết bị phòng studio, các công cụ phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng số, sử dụng phần mềm LMS/LCMS trong đào tạo kết hợp. Sau khi hoàn thành công tác tập huấn, 100% các học phần triển khai đào tạo từ học kỳ 1, năm học 2022-2023 được triển khai đào tạo theo phương thức kết hợp cho toàn thể sinh viên các khóa.
Ngoài ra, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã chuẩn hóa và xây dựng bộ học liệu số phục vụ đào tạo kết hợp. Nhà trường ban hành các Quy định về thành phần, cấu trúc, số lượng, chất lượng của bộ học liệu số phục vụ cho mỗi học phần. Tiến hành rà soát, chuẩn hóa và số hóa bài giảng cho tất cả các học phần đang tổ chức đào tạo, các bài giảng thuộc học kỳ sau sẽ được hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa ở kỳ trước. Lộ trình đến năm 2025, sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc này. Song song với việc đó, nhà trường đầu tư xây dựng 3 studio để sản xuất video bài giảng cho bộ học liệu số.
Chuyển đổi số góp phần nâng cao tính chủ động của người học. |
Các hệ thống quản lý học tập LMS với nguồn học liệu số được xây dựng, hoàn thiện, bao gồm cả nguồn học liệu các trường đại học thành viên tự xây dựng và nguồn học liệu được chia sẻ trong toàn Đại học, toàn Ngành giáo dục, cũng như các nguồn học liệu mở từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới, sẽ giúp cho người học có thể học tập chủ động và được theo dõi, đánh giá thường xuyên, từ đó tạo ra động lực, nâng cao tính chủ động và cá nhân hóa trong quá trình học tập của người học.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy sẽ giúp cho người học dễ tiếp cận bài giảng và tri thức, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục.
Nhà trường là đơn vị đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đào tạo, có thể nhận thấy đây là một bước ngoặt rất lớn. Với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo cùng sự quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh nhà trường. Tin tưởng rằng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh trở thành trường đại học số, khẳng định vị thế, thương hiệu trong khu vực và thế giới.