Thế mạnh của châu Á
Sức hút của những “quốc gia mới nổi” đến từ nhiều nhân tố như học bổng, cơ hội việc làm trong khu vực, gần gũi văn hóa và địa lí, đầu tư mạnh của các chính phủ cho GD đại học.
Năm 2013, các quốc gia này thu hút 7% thị phần du học sinh quốc tế, vượt qua Australia – đang nắm giữ 6% thị phần.
Nhiều quốc gia châu Á đẩy mạnh cải cách và nâng cấp lĩnh vực giáo dục đại học. Một số nước đặt mục tiêu tăng gấp đôi du học sinh quốc tế trong 4 năm tới. Trung Quốc hướng tới tăng lên thành 500.000 du học sinh, Nhật Bản là 300.000 và Malaysia là 200.000 vào năm 2020.
Trong khi Australia cũng nhắm tới tăng gấp đôi số du học sinh lên thành gần 1 triệu vào năm 2025, thì mục tiêu của các quốc gia châu Á cũng báo hiệu sự cạnh tranh quyết liệt.
Malaysia và Singapore hấp dẫn du học sinh nhờ khả năng kiếm việc làm tại đây sau khi tốt nghiệp. Bất kể đến từ đâu trên thế giới, sinh viên quốc tế nhận trợ cấp học phí của chính phủ Singapore buộc phải cam kết làm việc tại Singapore trong 3 năm. Mục tiêu của chương trình này là đáp ứng thiếu hụt lao động và khai thác chất xám của đội quân cử nhân quốc tế.
Trong khi đó tại Australia, sinh viên quốc tế có rất ít cơ hội nhận học bổng và không có việc làm chờ đợi họ sau khi tốt nghiệp. Có văn bằng Australia là chưa đủ để sinh viên nước ngoài xin được việc tại Australia. Bất cứ người nước ngoài nào đều phải trải qua đánh giá kĩ năng của cơ quan chuyên trách Australia trước khi được cấp phép làm việc.
Nỗ lực vươn hạng
Các trường đại học châu Á cũng đang nỗ lực thăng hạng quốc tế. Trong bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới uy tín THE 2015 - 2016, các trường đại học châu Á còn nhiều hơn số trường ĐH Australia trong tốp 100.
9 trường ĐH châu Á so với 6 trường ĐH Australia trong tốp 100. Trường ĐH đứng đầu châu Á, ĐH Quốc gia Singapore (NUS) xếp hạng 26, đứng trên cả trường số 1 Australia – ĐH Melbourne - xếp hạng 33.
Còn bảng xếp hạng các trường đại học thế giới QS xếp ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore đứng đầu danh sách các trường đại học dưới 50 năm tuổi.
Cũng trong bảng xếp hạng “các trường ĐH trẻ” dưới 50 tuổi này, châu Á vượt trội với 16 trường trong tốp 50. Australia chỉ có 6 trường trong tốp này và ĐH Kỹ thuật Sydney (đứng đầu các trường Australia) chỉ xếp thứ 14.
Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính lớn từ chính phủ, chiến lược của NUS để vươn lên vị trí số 1 là tuyển dụng giảng viên chất lượng cao, đổi mới công nghệ và hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Các trung tâm xuất khẩu GD châu Á không chỉ có tham vọng giành thứ hạng cao mà còn muốn tăng số trường lọt vào bảng xếp hạng. Năm 2013, Nhật Bản khởi động Dự án Top Global University, đặt mục tiêu có từ 10 trường trở lên lọt vào tốp 100 trường ĐH toàn cầu. Giống như Singapore, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ nhiều triệu USD cho những trường ĐH đứng đầu đạt mục tiêu trên.