Trường chuyên tìm lối đi để nhập cuộc đổi mới

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 triển khai ở cấp THPT. Một số trường THPT chuyên, bên cạnh khó khăn riêng đã chuẩn bị kĩ lưỡng và tìm ra “lối” đi để sẵn sàng nhập cuộc.

Giáo viên, học sinh các trường THPT chuyên đã sẵn sàng tâm thế cho đổi mới.
Giáo viên, học sinh các trường THPT chuyên đã sẵn sàng tâm thế cho đổi mới.

Cơ hội song hành thách thức

Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), thầy Phạm Thành Sang chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trước khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đó là cơ sở vật chất bởi trường được xây dựng trước đây nên tồn tại một số  phòng học, phòng bộ môn chưa phù hợp;

Đội ngũ giáo viên cũng chưa đáp ứng được giảng dạy một số môn năng khiếu (Âm nhạc, Mỹ thuật). Và đáng lo lắng không kém khi nhiều cha mẹ học sinh nghe đến sự thay đổi về Chương trình GDPT vẫn còn tỏ ra lo ngại…

Từ thực tế tại Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), cô Nguyễn Thị Hoa Lan, Hiệu trưởng cũng bày tỏ lo lắng: Mục tiêu giáo dục toàn diện chương trình mới sẽ mang đến một sự thay đổi lớn, khác biệt đáng kể đối với học sinh trường chuyên, những người vốn quen với việc học chuyên sâu vào một môn để phát triển năng khiếu, đề bồi dưỡng mũi nhọn thi học sinh các cấp.

Điều đó đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực để đáp ứng được mục tiêu giáo dục mới. Nhà trường phải làm sao để vừa đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện vừa thực hiện tốt việc bồi dưỡng mũi nhọn - điều vốn là sứ mệnh, thương hiệu của trường chuyên. Việc này có thể tăng thêm áp lực đối với giáo viên trường chuyên.

Mặt khác cô Làn cũng cho rằng, do chưa có định hướng thi tốt nghiệp và đại học theo Chương trình GDPT mới nên việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường vẫn phải dựa trên khối thi của chương trình hiện hành. Điều này phần nào gây khó khăn cho nhà trường, học sinh. Và cũng vì thế ngoài 7 môn bắt buộc, trường phải xây dựng các nhóm môn lựa chọn để học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường đại học theo các khối A, A1, A2, B, D, C… theo chương trình hiện hành.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mới có thể sẽ tạo ra khó khăn trong công tác tuyển sinh, bồi dưỡng mũi nhọn. Và thời điểm hiện tại, các nhà trường đã bắt đầu xây dựng chương trình giáo dục môn học của nhà trường nhưng riêng các trường chuyên lại chưa có định hướng việc xây dựng chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, học sinh các lớp chuyên ngữ khác môn Tiếng Anh vẫn chưa có sách giáo khoa để lựa chọn các môn khác. Vì thế, việc nghiên cứu chuẩn bị giảng dạy môn học đó có thể sẽ muộn hơn...

Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) đã sẵn sàng tâm thế cho đội ngũ CBQL, GV bước vào đổi mới
Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) đã sẵn sàng tâm thế cho đội ngũ CBQL, GV bước vào đổi mới

Sẵn sàng tâm thế

Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), thầy Phạm Thành Sang cho biết: Ngay sau khi nhận được Thông tư 32 về Chương trình GDPT 2018 và áp dụng cho cấp THPT từ lớp 10 năm học 2022-2023, cùng một số Thông tư 14, 20, 13 của Bộ GD&ĐT nhà trường đã có khoảng thời gian khá dài để thực hiện công tác chuẩn bị.

Chính vì vậy đã thực hiện tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong toàn ngành và xã hội về Chương trình GDPT 2018; Chủ động, tích cực tổ chức cho đội ngũ CBQL, giáo viên trong trường nghiên cứu, nắm bắt sâu về Chương trình để có sự chuẩn bị kĩ khi triển khai thực hiện chính thức.

Cùng đó, trường tập trung công tác rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trên cơ sở đó tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, bảo quản một cách hiệu quả nhất.

Thời điểm hiện tại, về phòng học, phòng bộ môn, sân chơi, bãi tập đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT đã và đang được đầu tư như phòng học kết nối, phòng học trực tuyến, thiết bị thông minh…

Không những thế trường đã tập trung vào công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV thực hiện Chương trình GDPT 2018, đang học tập và bồi dưỡng modun 9; 100% CBQL và GV tham gia học tập, bồi dưỡng các modun 1,2,3,4,5 có kết quả đạt yêu cầu…

Theo định hướng của Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang), trường sẽ tiếp tục rà soát về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để kịp thời tham mưu với cấp trên đầu tư đáp ứng thực hiện tốt.

Phối hợp với phụ huynh để thực hiện đồng bộ việc mua sách giáo khoa cho học sinh, tránh tình trạng học “chay”. Trường cũng sẽ chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học bằng nhiều hình thức, như tổ chức các chuyên đề, hội thảo, hội thi, dự giờ góp ý kiến…

Xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra; nhất là kiểm tra đột xuất, chỉ ra những kết quả đạt được cần phát huy, những hạn chế cần khắc phục; có động viên, nhắc nhở giáo viên để hoàn th ành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) được làm mới trong tư duy, trao quyền tự chủ khi bước vào triển khai CT GDPT 2018
Cán bộ, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) được làm mới trong tư duy, trao quyền tự chủ khi bước vào triển khai CT GDPT 2018

Mạnh dạn, chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình giảng dạy; xây dựng các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm thực tế để học sinh tiếp cận từ đó hình thành cho học sinh khả năng thực hành cũng như cho học sinh làm quen dần với phương thức học đi đôi với hành, qua đó khơi dậy lòng say mê khoa học, thích tìm tòi, rèn luyện kỹ năng sống…

Mặt khác, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo cấp trên về công tác tuyển sinh lớp đầu cấp nhằm đảm bảo chất lượng học lực. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT…

Vấn đề chuẩn bị tâm thế, bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu chương trình… để thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng được Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) trao đổi:

Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẽ tạo động lực để giáo viên thực hiện sự thay đổi. Làm thay đổi tư duy của người thầy từ truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực;

Trường cũng đã tích cực giúp cán bộ giáo viên làm mới mình trong tư duy thông qua trao quyền tự chủ, quyền quyết định về nội dung, phương pháp giáo dục cho giáo viên và đảm bảo điều kiện làm việc cho giáo viên; Đưa các giải pháp đảm bảo số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên.

Cùng đó, tạo sự đồng thuận từ xã hội thông qua hoạt động tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ sự đổi mới và các phương án, tổ hợp tuyển sinh của nhà trường trong năm học tới.

Đặc biệt sẽ tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở địa phương để huy động các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc.

Không những thế sẽ xây dựng các tổ hợp môn, cụm chuyên đề môn học cho học sinh lựa chọn căn cứ vào điều kiện thực tế của trường, quy mô học sinh, số lượng giáo viên theo các môn học để đưa ra các phương án khả thi, sắp theo thứ tự ưu tiên để hướng dẫn học sinh lựa chọn và tổ chức lớp học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.