Trước Quốc hội, Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề giáo dục với giải pháp thỏa đáng

GD&TĐ - Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo rất quan tâm đến phiên đăng đàn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội và chia sẻ: Phần trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề, theo đó là các giải pháp hết sức thấu đáo.  

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Đặt niềm tin vào vị “Tổng tư lệnh” của ngành GD&ĐT, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo cho biết Bộ trưởng đăng đàn với nhiều vấn đề “nóng” được các cử tri cả nước quan tâm. Đặc biệt như chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, dạy thêm học thêm, thi trắc nghiệm, vấn đề việc làm sinh viên sau tốt nghiệp... Song song với các câu hỏi chất vấn đó, là những giải pháp và yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành trong bối cảnh hiện nay

Trước Quốc hội, Bộ trưởng đã đi thẳng vào vấn đề giáo dục với giải pháp thỏa đáng ảnh 1Thầy Lê Xuân Bột 

Là một nhà giáo gắn bó với ngành giáo dục gần 40 năm, thầy Lê Xuân Bột - nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) - cho biết: Chúng tôi tin tưởng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì ông đã trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành. Nay đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng, chắc chắn ông sẽ phát huy được những kinh nghiệm và tâm huyết mình có được.

Đến phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, hàng loạt vấn đề nóng được Bộ trưởng trả lời, làm rõ rất rành mạch. Song song đó là các giải pháp để giải quyết vấn đề.

Cụ thể, trước vấn đề mạng lưới các trường ĐH được các đại biểu chất vấn khá “hóc búa”. Bộ trưởng đã đưa ra minh chứng rất thuyết phục: Về số lượng trường ĐH, nếu xét tổng số sinh viên/vạn dân, chúng ta không nhiều trường đại học, nhưng so yêu cầu về chất lượng đại học thì là nhiều, vì không ít trường đại học không đạt chuẩn…

Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra theo tôi rất hay là sắp tới sẽ rà soát, sắp xếp các trường, điều chỉnh theo hướng chất lượng. Trước khi rà soát có kiểm định, trường nào “khỏe”, “yếu” phụ thuộc vào kiểm định, rất khách quan. Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh đến các trường nghề, trường cao đẳng...

Rất tâm đắc trước phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thầy giáo Mai Văn Sang - Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), chia sẻ: Vấn đề dạy thêm học thêm, Bộ trưởng đã khẳng định giải pháp gốc là phải điều chỉnh chương trình. Ngành đã phối hợp với địa phương tăng cường giám sát, quản lý và chấn chỉnh. Nhưng giải pháp gốc vẫn là nội dung chương trình.

Hiện nay đang định hướng rà soát chương trình, làm sao để lược bỏ bớt chương trình không cần thiết để chương trình học nhẹ hơn, phù hợp hơn… Vấn đề này rất mong chính quyền địa phương các cấp vào cuộc, chứ Bộ GD&ĐT cũng không đi đến từng giáo viên để giám sát được.

“Là một giáo viên, hằng ngày trực tiếp đứng lớp và giảng dạy nên thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của ngành. Lĩnh vực GD&ĐT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và có rất nhiều vấn đề phải làm. Rất vui khi Bộ trưởng đã giải quyết các câu hỏi của đại biểu một cách sâu sát, đi sâu vào vấn đề và đưa ra giải pháp cụ thể. 

Ông Ninh Thành Viên 

Chia sẻ với chúng tôi về phần đăng đàn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang - cho biết: Bộ trưởng đã trả lời chất vấn rất thiết thực và nêu rõ những mặt mạnh và những khó khăn, vướng mắc của ngành.

Trước vấn đề “nóng” về dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng đã thẳng thắn với việc cấm dạy thêm học thêm bị lợi dụng; không cấm việc dạy thêm học thêm hợp lý, có nhu cầu chính đáng và tự nguyện. Và sắp tới sẽ chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn, trong đó có phối hợp với chính quyền địa phương.

Riêng về vấn đề sinh viên thất nghiệp, chúng tôi chia sẻ với Bộ trưởng và nhận thấy rằng không chỉ riêng ngành giáo dục đảm đương vấn đề này. Sinh viên ra trường có việc làm hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như năng lực bản thân, tốt nghiệp ở trường nào, sự phát triển của doanh nghiệp, thị trường lao động… Từ vấn đề này, tôi thấy Bộ trưởng đưa ra giải pháp rất thiết thực.

Cụ thể là tiến hành phân loại chất lượng các trường ĐH; phải quy hoạch lại mạng lưới, phân loại các trường ĐH. Ở các địa phương không nhất thiết phải có trường ĐH, sinh viên không nhất thiết phải học gần nhà, chúng ta cần tập trung mạng lưới các trường ĐH. Song song đó là tập trung siết chặt quản lý chất lượng đào tạo, không chỉ chất lượng đầu vào mà cả chất lượng đầu ra…

Với sự nỗ lực của Bộ trưởng và quyết tâm của toàn ngành, chúng tôi tin tưởng ngành GD&ĐT sẽ có bước phát triển vững mạnh và đạt nhiều thành công trong thời gian tới.

Đáp ứng mong mỏi của cử tri

Theo thầy Nguyễn Minh Tư, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, điều ai cũng thấy rất rõ trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa này với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là: Tuy mới nhận nhiệm vụ Tư lệnh ngành Giáo dục nhưng Bộ trưởng đã thể hiện nắm rõ tình hình, thực trạng ngành, cũng như nắm rất rõ thực trạng từng vấn đề của ngành Giáo dục.

Trong tất cả các vấn đề, thầy Nguyễn Minh Tư cho biết đánh giá cao nhất là phần trả lời của Bộ trưởng về các vấn đề củng cố nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ĐH và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; về thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29; chủ trương về đổi mới thi cử, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới và những nội dung liên quan đến Đề án Ngoại ngữ 2020. Phần trả lời này không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri. Qua đó càng củng cố thêm niềm tin vào các chủ trương đổi mới GD&ĐT trong thời gian tới.

Cũng theo thầy Minh Tư, ngoài ra nhiều vấn đề nóng, còn bức xúc trong xã hội cũng được Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ trên tinh thần lắng nghe và cầu thị, điều đó thể hiện rõ trách nhiệm nghiêm túc lắng nghe, cầu thị của Bộ GD&ĐT trước Quốc hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. Chính điều đó làm cho cử tri rất tin tưởng và ủng hộ những đổi mới của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới.

Thầy Thái Quốc Khánh – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (H. Cam Lộ, Quảng Trị) cũng cho rằng phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gần như bao quát hết những vấn đề nóng, đang được dư luận quan tâm của ngành GD&ĐT, từ dạy thêm học thêm, thi cử, tuyển sinh ĐH, Đề án Ngoại ngữ…

Bộ trưởng đã giải đáp rõ ràng, không né tránh, có sự bao quát cả những vấn đề vĩ mô cũng như phân tích chi tiết các vấn đề vi mô như phương án kỹ thuật tổ chức thi trắc nghiệm và có phương án giải quyết cụ thể. Nếu theo dõi kỹ nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nhạ, những ai quan tâm đến GD hay còn có những thắc mắc về phương án thi và tính ổn định của Kỳ thi THPT quốc gia sẽ thấy yên tâm và tin tưởng hơn.

Cũng bày tỏ sự quan tâm lớn đến vấn đề đổi mới trong Kỳ thi THPT quốc gia, nhất là đổi mới hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm môn Sử, Địa và đưa môn Giáo dục công dân vào Kỳ thi; thầy Đỗ Minh Lợi, giáo viên Trường THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết rất hài lòng khi Bộ trưởng trả lời rằng, không có phương án thi nào tuyệt đối, nhưng ở thời điểm này thi trắc nghiệm là phương án thi tối ưu nhất được các chuyên gia nghiên cứu kỹ và nó đảm bảo tính khách quan nhất, có thể kiểm tra được kiến thức bao quát chương trình và nhiều nước phát triển đã áp dụng từ lâu.

Theo thầy Minh Lợi: Là một giáo viên lâu năm, tôi tán thành quan điểm rằng khi làm bài thi trắc nghiệm, các em không thể đánh lụy và các câu hỏi theo kiểu đánh đố mà trong đó có nhiều câu hỏi đòi hỏi các em phải vận dụng cao, tổng hợp kiến thức, nắm rõ vấn đề mới làm tốt. Ngoài ra, thi trắc nghiệm với mỗi em một mã đề sẽ không có chuyện tiêu cực, gian lận trong thi cử được.

Về hình thức thi môn Tiếng Anh, tôi nghĩ khi dạy môn tiếng Anh, bản thân giáo viên HS đều hướng tới 4 kỹ năng nghe nói đọc viết, nhưng là một kỳ thi chung cho HS cả nước, kiểm tra kiến thức phổ thông chung, chúng ta cần tính đến phương án có thể đánh giá tổng thể, vừa tiết kiệm thì trắc nghiệm là tối ưu nhất. Nếu thi thêm kỹ năng đọc - nói như lúc dạy - học khi đó chúng ta tiến xa thêm một bậc, đòi hỏi về con người, kinh phí để tổ chức thực hiện. Vấn đề này ở bậc ĐH làm tốt hơn vì lượng SV của mỗi trường không nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...