Trung tướng mê chơi chim, trồng hoa và… “phượt”

Ở tuổi thất thập, giọng nói của Trung tướng Phạm Tuân vẫn rổn rảng như thanh niên. Ông mê chim, mê cây, mê cả những “trò” rất thanh niên nữa như… đi “phượt”. 

Anh hùng Phạm Tuân và đồng đội cùng chuyến bay vào vũ trụ - phi hành gia Viktor Vassilyevich Gorbatko. Ảnh: TL
Anh hùng Phạm Tuân và đồng đội cùng chuyến bay vào vũ trụ - phi hành gia Viktor Vassilyevich Gorbatko. Ảnh: TL

Khó ngờ, một vị anh hùng, từng bay lượn trên bầu trời, phá vỡ nhiều kỉ lục chiến đấu - ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng, khi nghỉ hưu lại có nhiều sở thích giản dị và trẻ trung đến vậy.

Mày cứ nhảy đi, chết… tao chịu!

Để có 7 ngày trên vũ trụ, trong vòng hai năm trời, chàng phi công Phạm Tuân phải trải qua nhiều chế độ tập luyện ngặt nghèo. Ông nhớ lại, lúc ấy cả nước chỉ có 4 ứng cử viên được các chuyên gia và bác sĩ Liên Xô chọn lựa. Đó là: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Bùi Thanh Liêm, Đinh Trọng Kháng. Sau khi sang nước bạn, danh sách này chỉ còn lại 2 và chịu chế độ luyện tập hà khắc như nhau là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm. Ngoài các bài tập thể lực ngặt nghèo, 2 ứng cử viên này còn được huấn luyện điều khiển thành thạo tất cả các hệ thống trong tàu vũ trụ cũng như trên trạm vũ trụ mà mình sẽ đặt chân đến.

“Trước khi bay, chúng tôi được ăn theo thực đơn và ngủ đúng thời gian như ở vũ trụ, liên tục trong vòng một tháng. Tôi còn nhớ, khi ngủ, chúng tôi phải kê chân giường cao 30 độ (so với đầu giường) để quen trạng thái tăng lượng máu toàn bộ lên não. Sau đó, chúng tôi phải buộc dây vào vai, treo người lên để ngủ kiểu thiếu lượng máu lên hệ tuần hoàn. 

Chúng tôi phải luyện tập trong buồng xông khô, nóng 80-90 độ. Xong, chạy ra nhảy ngay xuống nước lạnh từ 7-8 độ. Nếu chịu đựng được mức này, lại tiếp tục phải nhảy vào nước lạnh 0 độ. Lúc đầu tôi run, bảo với huấn luyện viên người Nga là không thể làm được đâu. Ông ấy trấn an, “không sao, mày cứ nhảy đi, chết tao chịu”. Thế là tôi đánh liều nhảy ùm xuống”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Cũng trong khoảng thời gian này, hai ứng cử viên Việt Nam phải chịu nhiều hình thức luyện tập vô cùng khắc nghiệt khác như: Quay thử tải với tốc độ 12 trong vòng 10 phút (bình thường, phi công chiến đấu chỉ chịu cao nhất khoảng 5 phút), nằm trong nước biển 3 tiếng đồng hồ với cái lạnh khoảng 8 độ… Tất cả các bài tập này được rải ra, tập luyện xen kẽ trong vòng 1 năm rưỡi nhằm chuẩn bị cho tất cả các tình huống bất trắc mà phi công vũ trụ có thể sẽ gặp phải.

Trước khi bay 1 ngày, Hội đồng Khoa học của Nga công bố Phạm Tuân trúng vào danh sách. “Giờ nhớ lại những ngày tập luyện kinh hoàng trên, ông có sợ không”? Tôi hỏi? “Không. Tôi đã từng là phi công chiến đấu và gặp bất trắc rất nhiều nên việc luyện tập ấy không là gì. Năm 1965, khi đó tôi tròn 18 tuổi và đang bay máy bay YAK18, tôi đã phải tắt máy khi đang ở vị trí lớn nhất do hỏng động cơ điều khiển. Lúc ấy, mới là cậu học sinh tò te nhưng tôi quyết định tắt máy và hạ cánh an toàn. Năm 1971, lúc đang ở Hà Giang, máy bay bị hóc khí khi đang ở độ cao rất lớn, tôi đã chuẩn bị dù và lường trước tình huống xấu nhất. Máy bay lao vun vút, đến độ cao 8.000m, tôi bật máy trở lại và may mắn lần này tôi thoát chết. Lần 3 là đêm 18/12/1972, khi bắn hạ máy bay B52 và hạ cánh ở sân bay Nội Bài, máy bay tôi trúng hố bom và lật ngửa. Lúc đó, tôi không còn cách nào khác là chờ đợi sự việc diễn tiến theo thời gian và không thể có cách gì khác”.

Trồng lan, nuôi chim và… đi “phượt”

Anh hùng Phạm Tuân và thú vui nuôi chim, chăm cây cảnh ở đời thường. Ảnh: HN
Anh hùng Phạm Tuân và thú vui nuôi chim, chăm cây cảnh ở đời thường. Ảnh: HN

Được biết, từ khi còn công tác cho đến nghỉ hưu bây giờ, vị anh hùng ấy vẫn giữ chế độ tập luyện sức khỏe rất nghiêm khắc. Buổi sáng, tập tennis 2 tiếng. Chiều, tập đánh bóng bàn 2,5 tiếng. Trong nhà ông có đầy đủ các máy móc tập thể dục, có xà và các dụng cụ để tập luyện các bài tập thừa máu hoặc thiếu máu lên não như hồi xưa. Ông cho biết, sau khi kết thúc chuyến bay vào vũ trụ vào năm 1980, ông bị một tai nạn ở đầu gối khi đang đánh bóng và phải phẫu thuật. 

Từ đó, bác sĩ yêu cầu ông phải hạn chế đi bộ. Tuy nhiên, ông cho biết, mình vẫn dành thời gian để tập các môn thể thao hàng ngày. Đặc biệt, ông thích các chuyến “phượt” đến các vùng miền núi đất nước. Ông còn cùng bạn bè lái ô tô đi xuyên 3 nước Đông Dương, tham gia cắm lều trại ngoài bìa rừng ở Úc khi nhiệt độ bên ngoài đang ở âm độ…

Trong khu vườn mát mẻ của ông, có hàng trăm loại hoa lan đang tỏa hương. Ông cho biết, ngoài sở thích đi “phượt”, ngày chợ phiên, ông vẫn lên chợ hoa Hà Đông và chợ hoa Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), nhặt nhạnh từng nhành lan rừng về ươm, ghép vào giá thể rồi chăm, chờ đến lúc ra hoa. 

Với ông, hoa lan nhập khẩu tuy đẹp nhưng giống như một cô hoa hậu, đỏng đảnh và chỉ để ngắm thôi. Ông đặc biệt yêu thích các loại lan rừng, dù khó chăm nhưng rất nhiều hương thơm và khá giản dị. Ngoài việc chăm chỉ tưới nước hàng ngày, ông tìm đọc hàng chồng sách chăm sóc lan để bón phân theo đúng chủng loại. Rồi ông dẫn chúng tôi đến thăm vườn chim. Khu vườn nho nhỏ, xinh xinh với khoảng vài chục chú chim hót rền tai. 

Ông cho biết, mình học cách nuôi chim đẻ. Năm ngoái, ông còn nuôi một cặp chim đẻ đến cả chục lứa, thích lắm. Đời ông, giờ chẳng mong gì hơn. “Người ta nói nghỉ hưu nhàn quá hóa phiền nhưng nghỉ hưu, tôi vui lắm. Tôi có rất nhiều hội bạn, hội nuôi cây nọ, con kia nên rất hay gặp nhau. Rồi cả hội thể thao nữa”, ông vui vẻ cho biết.

May mắn thôi không đủ

Trả lời tò mò của PV GĐ&XH về việc vượt qua những thử thách nguy hiểm, những tình huống ngàn cân treo sợi tóc có nhờ vào sự may mắn không? Trung tướng Phạm Tuân bảo: “Tôi nghĩ, xác suất may mắn cũng có nhưng chỉ nhờ may mắn thôi không đủ. Chẳng hạn, cùng một hoàn cảnh nhưng theo lý thuyết, phi công phải biết đến độ cao nào, giữ tốc độ bao nhiêu, thời cơ nào thì mở máy. Nếu để tốc độ nhanh quá, hoặc chậm quá đều rất nguy hiểm. Vì thế, tôi cho rằng, chỉ may mắn thôi không đủ mà còn phải biết kết hợp đúng kĩ thuật”.

Tôi không ngồi chơi trên tàu vũ trụ

Giải mã việc dư luận đồn đoán rằng, ông chỉ ngồi không trên con tàu chứ không điều khiển gì, ông cười lớn cho biết: “Lúc đó Viktor Vassilyevich Gorbatko (Liên Xô) là người lái chính. Tôi là lái phụ. Khi bay, không thể thiếu lái phụ bởi mỗi người phụ trách một chức năng, một công việc khác nhau. Khoang lái của con tàu rất rộng. Tôi được phân công nhiệm vụ thông báo tất cả các thông số liên quan đến con tàu, chẳng hạn như: Tàu đang nằm vị trí nào, độ nghiêng bao nhiêu, tốc độ tiếp cận bao nhiêu, sang phải hay sang trái để lái chính xử lý”.

Theo Gia đình xã hội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ