Trung thu xưa dành cho người lớn

GD&TĐ - Một mùa Trung thu nữa lại về trong tình cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp, khiến các cháu thiếu nhi khó có cơ hội chơi cái Tết vui tươi cùng chúng bạn.

Đêm Rằm Trung thu. Ảnh minh họa.
Đêm Rằm Trung thu. Ảnh minh họa.

Chúng ta đều biết, các nước Á Đông không chỉ tính lịch theo chu kì Mặt trời, mà còn theo cả Mặt trăng. Nhiều lễ hội được người xưa tổ chức theo lịch Mặt trăng, như Tết Trung nguyên vào Rằm tháng Giêng, Đoan Ngọ (5/5), Tết Trung nguyên (hoặc theo Phật giáo là lễ Vu Lan, vào Rằm tháng 7)…

Tết Trung thu có từ lúc nào? Theo nhiều nhà nghiên cứu thì bên Trung Quốc, nó được tổ chức từ thời Đường, khi vua Đường Minh Hoàng lệnh cho nhân dân treo đèn, ăn tiệc để mừng sinh nhật mình.

Ở nước ta, dịp Trung thu lần đầu tiên được đề cập trong lịch sử qua tấm văn bia chùa Đọi, tức chùa Sùng Thiện Diên Linh, ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tấm bia được dựng vào năm 1121, thời vua Lý Nhân Tông, một vị vua rất mộ đạo Phật.

Theo văn bản khắc trong bia này, thì từ đời nhà Lý, giữa tháng Tám ở kinh thành Thăng Long tổ chức các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Tuy nhiên, những dòng văn bia ngắn gọn này cũng chỉ cho chúng ta biết rằng đây là những hoạt động tổ chức để mừng thọ nhà vua theo nghi lễ đạo Phật (hội đèn Quảng Chiếu), chứ chưa rõ có được tổ chức ngoài dân gian hay không.

Ở nước ta, vào thời Lê trung hưng, quyền bính ở Đàng Ngoài nằm hết trong tay các chúa Trịnh, những người hưởng một cuộc sống xa hoa hết cỡ. Tết Trung thu trong phủ Chúa Trịnh được tác giả Nguyễn Án mô tả chi tiết trong tập bút ký “Tang thương ngẫu lục” như sau: “Mỗi năm đến Tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng.

Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng...”.

Triều Nguyễn quy định, Tết Trung thu là một ngày lễ tiết lớn của triều đình để chào mừng thời tiết đẹp trong năm. Bộ chính sử của triều Nguyễn là “Đại Nam thực lục”, viết rằng, tháng 9 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua yêu cầu triều đình thêm thể lệ các tiết lễ hằng năm: “Ngoài các Tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch, thì những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên (15/1), Hạ nguyên (15/10), Trung nguyên (15/7), Thất tịch (7/7), Trung thu (15/8), Trùng dương (9/9), Đông chí (ngày 22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch), người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe”.

Đến khi lời bàn của quần thần dâng lên thì vua chuẩn định: Các tiết Thất tịch, Trung thu và Trùng dương đều dùng hoa quả nước trà và của ngon vật lạ để cúng tổ tiên ở các tòa miếu đường. Vào những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày Tết nhằm thời tiết đẹp.

Sang thế kỷ 19, theo nhà nghiên cứu Phan Kế Bính viết trong sách “Việt Nam phong tục”, thì trong ngày Tết Trung thu, người dân miền Bắc “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...”.

Tết Trung thu thời xưa cũng có nhiều loại đồ chơi trẻ em, làm bằng các thứ bồi bằng giấy như tiến sĩ giấy hay các loại con vật như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá... Trẻ em tối Trung thu sẽ dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Ngoài mâm cỗ trông trăng, vào dịp Tết Trung thu, mọi người thường biếu nhau bánh Trung thu, hoa quả, trà và rượu. Người Trung Quốc thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và treo đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, các trò trống quân, múa lân… đều do người lớn biểu diễn. Trẻ em chỉ được ngắm rồi “phá cỗ” Trung thu, hay chiêm ngưỡng các loại đèn lồng, đèn kéo quân mà cha mẹ mua hay khéo léo làm cho.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong cuốn “Nhớ và ghi về Hà Nội”, viết rằng: “Tết Trung thu vốn không phải là Tết trẻ con. Tối 14 và 15 tháng Tám, có rước rồng, rước sư tử. Các nhà chăng đèn ở ngoài cửa.

Thường thì có đèn trống quân, hoặc đèn cù, là một cái khung hình vuông, phất giấy bản. Người ta thắp đèn dầu ta ở dưới, hơi nóng thành gió, làm cho cái tán ở trên quay được. Tán ấy được xếp bằng những mảnh giấy ở cái thế hứng được gió. Tán quay, làm quay cả cái vòng treo ở dưới, có dán hình người, ngựa... để ở ngoài nhìn vào, thấy những bóng ấy chạy”.

“Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo”, nhà văn viết tiếp: “Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến Tết Trung thu, đi múa sư tử, thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con”.

Cũng do lệnh cấm của thực dân, mà từ đó Tết Trung thu trở thành một ngày Tết đặc biệt, riêng cho trẻ em Việt Nam cùng vui, với đèn lồng, đèn ông sao hay những món bánh nướng, bánh dẻo đã trở thành truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.