Cha ông ta thật tài…
Hai ngày cuối tuần qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) nườm nượp những du khách nhí cùng bố mẹ kéo đến đón Tết Trung thu sớm ở đây với những màn múa lân tưng bừng trong tiếng trống, tiếng chũm chọe, thanh la. Những khu trải nghiệm làm đồ chơi Tết Trung thu cổ truyền như đèn ông sao, đèn ông sư, đèn kéo quân, tò he, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, tàu thủy chạy…; làm bánh dẻo, giã cốm non… được trải dọc con đường dẫn ra khu trưng bày ngoài trời.
Thêm nữa, lần đầu nơi đây tổ chức những thí nghiệm về sức gió, khí đối lưu với mong muốn gỡ những thắc mắc vì sao diều bay lên được, vì sao những bức tranh trong đèn kéo quân chuyển động. Trải nghiệm nào cũng có các nghệ nhân ở nhiều làng nghề khác nhau ngồi đó kể chuyện rồi hướng dẫn khiến đám trẻ mê tít.
Mà chẳng riêng gì trẻ nhỏ, những ông bố, bà mẹ cũng sà vào vui cùng con em mình. Người ngoài 40 tuổi thì có thể lục tìm ký ức Trung thu của mình năm xưa với những chiếc đèn ông sao, trống bỏi… Tất nhiên, những ký ức này chẳng thể có ở những ông bố, bà mẹ trẻ - thế hệ 9X, nên họ đành chịu khó vừa nghe các nghệ nhân kể chuyện vừa mày mò lần đầu được trải nghiệm Trung thu xưa với… con.
“Tuổi thơ của chúng tôi đón Trung thu của đèn làm bằng nhựa và được thắp sáng bằng điện; của những tiếng nhạc ồn ào, xô bồ phát ra từ một cái máy cài sẵn trong đồ chơi được sản xuất hàng loạt chứ không phải âm thanh từ đất được vang ra từ tiếng trống bỏi bé xíu. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi Trung thu về, bố vẫn mua cho tôi một khẩu súng mà mỗi khi bóp cò nó kêu inh ỏi khắp phố” - bà mẹ 9X Thu Nga (Thanh Xuân) vừa quét hồ dán cánh đèn ông sao cùng con vừa nói.
Câu chuyện của Thu Nga chính là câu chuyện của một thế hệ trẻ kém may mắn vì không được đón những Trung thu cổ tích dịu dàng, êm ả từ những đồ chơi, trò chơi dân gian xưa mà hầu như là từ những đồ chơi, trò chơi mang nặng tính bạo lực, thiếu sáng tạo, được làm sẵn hàng loạt... Vì vậy, nhiều bạn trẻ 9X còn chia sẻ rằng đã khá “sốc” khi được biết về cách đón Trung thu xưa của ông cha rất đỗi tươi vui mà vẫn đẹp, vẫn lung linh.
“Nhưng rất may khi mấy năm trở lại đây, Trung thu xưa được khôi phục lại để thế hệ bây giờ có được những mùa trông trăng thực sự sáng trong của tuổi thơ. Và cũng nhờ đó mà thế hệ chúng tôi có cơ hội được biết, được trải nghiệm cùng… con mình. Ông cha ta tài thật. Trò chơi nào cũng có cái lý riêng và không hề nguy hiểm mà còn rất thân thiện với môi trường. Những trải nghiệm này có thể nói là muộn vì tuổi thơ đâu có chờ ai, nhưng thà muộn còn hơn không” - bạn trẻ Nam Cường (Đống Đa) nói.
Nghề không bao giờ mất
Phố Hàng Mã trong những ngày đón Tết Trung thu phủ đủ mọi sắc màu sặc sỡ của đủ loại đồ chơi, trong đó có khá nhiều đồ chơi dân gian như mặt nạ làm bằng giấy bồi, đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ… Lọt thỏm giữa những gian hàng lộng lẫy ấy là cái ô nhỏ nằm giữa phố của bà lão tò he tên Cới. Chỉ với hai cái thùng xốp úp ngược, bà Cới bày bán mâm tò he, bó chuồn chuồn tre, sáo hót chim, những chiếc trống của làng nghề Báo Đáp (Đồng Văn, Hà Nam), những chiếc trống bỏi ở Nam Định… Vừa rung cái trống bỏi, bà Cới vừa chào mời: “Mua tò he cho bà nào…” - cứ ý như bà đang ngồi giữa chợ phiên ngày trước.
Đối ngược với những chủ cửa hiệu trên con phố này, chỉ vui vẻ khi khách hỏi mua hàng và luôn cau có, thậm chí quát tháo nếu có người nhiều chuyện hỏi về những đồ chơi làm bằng chất liệu gì, có phải hàng Trung Quốc không, thì bà Cới tò he lại rất giòn chuyện. Bà giới thiệu về những con tò he đủ sắc màu vừa được cắm tre theo truyền thống, vừa “chễm chệ” trên cái đế làm bằng xốp chứ không phải làm bằng tre nữa.
Với những con chuồn chuồn tre, bà Cới nhớ mãi người cha của mình sau khi hỏi những đứa con về sự thăng bằng thì đã tỉ mẩn vót tre làm ra. Còn với những cái sáo hót chim làm bằng nhôm rỗng có tiếng kêu lảnh lót hay nghề làm tò he có từ khi nào thì bà Cới không nhớ nữa. Bà chỉ biết, từ rất lâu rồi, cả cái làng Xuân La, Phú Xuyên (Hà Nội) của bà đều làm nghề này.
Bà Cới năm nay gần 70 tuổi và đã có 50 năm ngồi bán tò he ở phố Hàng Mã này nên bà gần như quen hết cả khu phố. Ngày trước, mỗi độ rằm Trung thu, bà gánh 12 cái thúng chồng đựng tò he ra đây là bán đủ cho một mùa trông trăng. Hồi đó, tò he phải đựng bằng thúng chồng vì chúng được nặn bằng bột nếp pha chút bột tẻ.
Mỗi cái thúng chỉ có một lượt xếp, không được xếp đè lên nhau, nếu không tò he sẽ gãy. Còn bây giờ bà cho vào chiếc túi, bắt xe buýt từ nhà con trai ở Hà Đông ra Hàng Mã. Cũng vì, tò he bây giờ được nặn từ bột và phẩm màu bánh kẹo Hải Hà trộn với bột Nhật vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà lại giúp tò he để được lâu, không bị mốc, gãy.
Hỏi chuyện làng nghề Xuân La giờ còn nhộn nhịp làm tò he không, bà Cới bảo gần như chỉ còn con cháu của dòng tộc nhà bà “nặng lòng” với tò he. Cũng vì, nhiều nhà làm nghề nhưng sau bỏ vì không biết cách đi chợ. Mà cái cách đi chợ thì người cha của bà đã dạy cho bà từ thuở 12, 13 rằng: “Có hai cân gạo nếu để thổi cơm thì các con sẽ ăn hết trong một ngày. Nhưng, nếu các con chịu khó xay ra, nặn thành tò he rồi đem đi bán thì hai cân gạo sẽ thành 10 cân…”.
Đặc biệt, bà Cới rất tâm đắc với câu nói chiêm nghiệm của người cha năm nay đã ngoài 90 tuổi: “Các con cứ yên tâm, có thể ở giai đoạn này nghề làm đồ chơi dân gian không thịnh hành nhưng đến giai đoạn khác nghề sẽ lại thịnh hành trở lại. Trẻ con luôn luôn được sinh ra, vậy nên nghề làm đồ chơi cho trẻ không bao giờ mất đi…” - bà Cới cười tươi rói khi nhắc lại lời cha mình.