Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, trung tâm này ở trong tình trạng chưa có thì thiếu nhưng có lại... thừa.
Chưa có thì thiếu...
Hội thảo “Giám định tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh” vừa được Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (MTNA&TL) tổ chức tại Hà Nội (ngày 18/7) đã thu hút sự tham gia của chuyên gia, nhà sưu tập, chủ gallery…
Theo các chuyên gia, hiện nay, nhu cầu có đơn vị làm công tác “trọng tài”, giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh của các nhà sưu tập, các bảo tàng, của người chơi tranh, mua tranh, ảnh, của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh là rất cần thiết.
Trong khi đó, thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh ở Việt Nam ngày càng phát triển. Các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật ngày càng nhộn nhịp.
Cùng với đó, nhiều năm nay, tình trạng tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh bị vi phạm bản quyền ngày càng đáng báo động. Những vụ việc “đạo”, “nhái” này khi bị phát hiện thường chỉ nổ ra những cuộc tranh cãi trên truyền thông, mạng xã hội mà không có “trọng tài” đứng ra phân định đúng sai.
Thế nên, việc thành lập Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vào cuối năm 2018 là cần thiết - thậm chí còn có thể nói là muộn so với nhu cầu của thực tế. Tuy nhiên, trong vòng nửa năm qua, trung tâm dường như chưa đủ sức sắm vai “trọng tài”?
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục MTNA&TL, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, hiện nay trung tâm chưa tiếp nhận được yêu cầu chính thức nào của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tác phẩm theo đúng quy trình. Chỉ có 7 trường hợp đem tranh đến và khi nhận được câu trả lời là tranh giả (nhìn bằng mắt thường) đã không quay lại để thực hiện giám định theo đúng quy trình.
Tới đây, các chuyên gia của trung tâm nhận được lời mời giám định hơn 300 tác phẩm từ một nhà sưu tập Nhật Bản tặng cho TP Đà Nẵng. Nhưng “gói” giám định lớn nhất này cũng không làm theo quy trình mà chỉ cần câu trả lời trực tiếp: Tranh thật hay tranh giả.
“Trung tâm đang gặp 3 khó khăn: Thứ nhất, thiếu các điều luật quy định về hoạt động giám định tác phẩm nghệ thuật, nếu có thì cũng rất sơ sài, chung chung khó áp dụng.
Thứ hai, là tâm lý nghi ngờ, không ai chịu ai, tư tưởng cá mè một lứa, ai cũng cho mình là giỏi là hiểu biết và không muốn công nhận khả năng của người khác, không công nhận “trọng tài”.
Các máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật chuyên dụng không có, để kiểm tra nhờ vào con người và máy móc của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành cho rằng, hiện nay có trung tâm giám định nhưng lại cảm thấy… thừa, bởi ít tổ chức cá nhân nhờ tới, dù rằng, kinh phí giám định thấp (vì là dịch vụ công).
Nguyên nhân căn bản nhất là do mới thành lập, uy tín, độ tin cậy đối với hội đồng thẩm định chưa cao.
“Trên thế giới, “thương hiệu” của một người thẩm định hay một tổ chức thẩm định nào đó đã là một sự bảo đảm rồi. Mặt khác, đa số thành viên là những nhà sáng tác nên sự am hiểu về các phương thức “đạo” “nhái” các tác phẩm nghệ thuật chưa sâu, rộng. Mặt khác, thông tin, lý lịch các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta còn nhiều bất cập, mơ hồ, lẫn lộn cũng làm khó cho công việc thẩm định”, ông Nguyễn Thành nhấn mạnh.
Phải đi mới thành đường
Để tròn vai “trọng tài” giữa nhu cầu rất lớn từ thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay là điều không dễ đối với Trung tâm Giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vừa mới được thành lập còn non trẻ và thiếu đủ thứ như giám định viên tư pháp, các điều luật liên quan, trang thiết bị kỹ thuật...
Thế nhưng theo ông Vi Kiến Thành, dù rằng hoạt động của trung tâm được bắt đầu từ con số 0 song “phải đi thì mới thành đường”.
Góp ý để trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả hơn, bà Bùi Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng và xuất bản hồ sơ nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ.
“Hồ sơ nghệ sĩ với ý nghĩa là kho lưu trữ tài sản trí tuệ của nghệ sĩ liên quan mật thiết đến lịch sử nghệ thuật, phê bình, giám tuyển và thẩm định nghệ thuật. Việc quan tâm, chú trọng xây dựng hồ sơ nghệ sĩ là không chỉ là một cách để bảo đảm tài sản trí tuệ mà còn là sự tiếp cận quảng bá thương hiệu tới công chúng một cách hữu hiệu công việc và nghệ thuật của các nghệ sĩ” - bà Mai đề nghị.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ VH,TT&DL thì nhấn mạnh đến việc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Bản quyền tác giả và tổ chức giám định hoặc giữa Vụ Pháp chế với tổ chức giám định để cùng thống nhất các nội dung nhằm bảo vệ tốt quyền lợi cho tổ chức, các nhân có tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh.
Nói sâu về công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh có nên do cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện hay không, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, theo như khảo sát, các nước có thị trường mỹ thuật đều có tổ chức, cá nhân làm công tác giám định tác phẩm và là các đơn vị tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Không có nước nào công tác giám định tác phẩm mỹ thuật lại do cơ quan Nhà nước thực hiện. Việt Nam có lẽ là nước duy nhất.
“Qua đây, tôi cũng tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự phát triển của mỹ thuật, của thị trường mỹ thuật với hoạt động giám định và đấu giá, kinh doanh tác phẩm mỹ thuật hãy nhiệt tình và mạnh dạn thành lập và tổ chức hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật để Cục MTNA&TL sớm rút ra khỏi phạm vi hoạt động này theo như thông lệ quốc tế”, Cục trưởng Vi Kiến Thành kêu gọi.