Xe bus cao tầng làm chắn đường đi lại của người dân.
Sau khi thu hút sự chú ý của cả thế giới như là một giải pháp chống tắc đường mới, xe bus cao tầng TEB (Traffic Elevated Bus) của Trung Quốc dường như đã kết thúc vòng đời và hiện đang tồn tại như một vật chắn đường người dân.
Theo CNN, được quảng cáo như là câu trả lời đầy tiềm năng cho vấn đề giao thông tắc nghẽn ở Trung Quốc, xe bus cao tầng giờ đây lại là nguồn gốc chính của việc tắc nghẽn giao thông tại thành phố Tần Hoàng Đảo. Các xe ô tô phải đi chung vào một làn đường để tránh chiếc xe bus rộng tới 8m đang chắn ngang đường.
"Con đường hẹp nên tất nhiên là chiếc xe bus làm ảnh hưởng đến giao thông", Wang Yimin, một thợ máy người địa phương phàn nàn về sự bất tiện do xe bus cao tầng mang lại.
Để phục vụ cho các cuộc lái xe thử nghiệm, thành phố đã cho xây dựng một đường ray đặc biệt cho chiếc xe bus cao tầng khổng lồ với chiều dài 25m và chiều cao 5m. Công ty đứng đằng sau dự án xe bus cao tầng là TEB Technology, được cho là sẽ khôi phục lại khu vực lái thử nghiệm về nguyên trạng ban đầu vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại không thực hiện lời hứa và người dân thành phố Tần Hoàng Đảo phải chịu cảnh tắc nghẽn từ đó đến nay.
"Các đường ray vẫn còn đó và chúng tôi biết là nó gây ra vấn đề về giao thông", một quan chức của thành phố Tần Hoàng Đảo cho biết, "Tôi không biết nhiều về kế hoạch tương lai của TEB và những gì chúng tôi sẽ phải làm với các đường ray". Người này cho biết thêm là đã liên tục nhận được khiếu nại của người dân.
Một thời gian ngắn sau khi cho chạy thử nghiệm chở người vào tháng 8/2016, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của dự án xe bus cao tầng.
Nhiều lo ngại tăng lên sau khi phát hiện ra dự án được tài trợ bởi một chương trình cho vay ngang hàng (peer-to-peer), một dạng kêu gọi đầu tư với những quy định lỏng lẻo và thường dẫn tới lừa đảo tại Trung Quốc.
Một số tờ báo địa phương còn chỉ ra là những người đứng sau dự án xe bus cao tầng đang gặp khó khăn về tài chính do những lời hứa hẹn quá tham vọng với nhà đầu tư.
Sau khi không thể liên hệ với công ty TEB Technology qua đường điện thoại, phóng viên CNN đã quyết định đến thăm trụ sở công ty vào tuần trước. Tất cả đèn điện bên trong đều tắt. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đó một mô hình thu nhỏ của xe bus cao tầng.
Một nhân viên nói rằng anh ta không biết gì về các dự án trong tương lai của công ty để làm xe bus cao tầng hay bất cứ thứ gì khác. "Chiếc xe ở thành phố Tần Hoàng Đảo chỉ là nguyên mẫu", người này cho biết, "Công ty đã từng lên kế hoạch để có một chiếc chạy thực tế trên đường vào giữa năm sau".
"Nhưng vì thiếu vốn, công ty hiện không thể làm được bất kì điều gì", giám đốc phát triển của dự án xe bus cao tầng xin được giấu tên cho biết.
"Công ty TEB Technology là một ví dụ tốt để minh họa về những rủi ro khi tham gia các khoản vay ngang hàng", Zennon Kapron, sáng lập viên của công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia tại Thượng Hải cho biết.
Trước đó, nhiều chuyên gia kĩ thuật cũng đã lo ngại về tính thực tiễn của dự án TEB trong điều kiện giao thông Trung Quốc. Ví dụ như việc chỉ có những phương tiện với độ cao 2,1 m là có thể đi lại bên dưới gầm của xe bus cao tầng, trong khi chiều cao tối đa cho phép dành cho ô tô tại Trung Quốc là 4,2 m. Đó là chưa kể tới sự cồng kềnh của chiếc xe và khả năng thoát hiểm còn bị đặt dấu hỏi.
Khái niệm TEB lần đầu tiên được giới thiệu tại Trung Quốc vào năm 2010. Tuy nhiên, ý tưởng về chiếc xe bus cao tầng chạy trên đường thực tế đã xuất hiện tại Mỹ vào năm 1969. Vào thời điểm đó, hai kĩ sư đã đề xuất một ý tưởng tương tự có tên là "Landliner" lên tạp chí New York để nối hai thành phố Washinton và Boston.
Trong khi ý tưởng về xe bus cao tầng đang dần bị lãng quên, người dân thành phố Tần Hoàng Đảo vẫn đang ngày ngày phải chịu cảnh tắc nghẽn khi đi qua khu vực lái thử nghiệm. Chiếc xe được kì vọng nhằm giải quyết nạn tắc đường giờ đây lại tạo ra cảnh tắc đường cho người dân.