Trung Quốc: Vô vàn thiệt thòi cho trẻ nhập cư

GD&TĐ -  Nằm kẹp giữa một con phố hẹp ở quận Changping, Bắc Bắc Kinh, trường học nhỏ được sơn những màu bắt mắt trẻ em là cam và xanh lá. Tiếng nhạc rộn vang vào giờ nghỉ khi học sinh đổ ra sân trường chạy nhảy.

Trung Quốc: Vô vàn thiệt thòi cho trẻ nhập cư

Cứu cánh giáo dục cho trẻ nhập cư

Trường học này, loại trường khá phổ biến tại Trung Quốc, dành cho trẻ nhập cư - đón nhận những trẻ không thể vào học trường công tại Bắc Kinh. Trường hoạt động không phép và tồn tại bấp bênh giống như chính cuộc sống của người nhập cư.

Nhà chức trách có thể lệnh đóng cửa trường bất cứ lúc nào chỉ bằng một tờ thông báo. Hiệu trưởng đề nghị phóng viên đến thăm không nêu tên giáo viên của trường vì lo ngại thu hút sự chú ý của cơ quan quản lí.

“Bạn có thể nhìn xuôi theo con đường này - toàn bộ các toà nhà bên phía Nam đã bị giải toả” - một giáo viên tình nguyện lấy tên giả là Molly nói - “Và khi trường bị đóng cửa, lũ trẻ sẽ chẳng biết đi học ở đâu”.

Người nhập cư tại Trung Quốc tới các thành phố làm việc lên tới con số hàng trăm triệu. Trong khi họ tạo nên phần lớn sức mạnh cho sự phát triển thần tốc của Trung Quốc, địa vị pháp lí của họ chỉ giống như những người nước ngoài nhập cư không giấy tờ tại Mỹ.

Mặc dù người nhập cư Trung Quốc không vượt qua biên giới quốc tế nhưng sự dịch chuyển từ nông thôn ra thành phố khiến họ phải đứng ngoài rìa những chính sách an sinh xã hội.

Cảm giác bị chối bỏ

“Toàn bộ trường công dành cho người địa phương” - Molly cho biết - “Chúng tôi gọi đó là đặc quyền hộ khẩu”.

Hộ khẩu là hệ thống đăng kí cư trú khắt khe tại Trung Quốc. Bởi việc xin hộ khẩu tại thành phố rất khó khăn và tốn kém, nhiều học sinh nhập cư chỉ có cách vào học trường tư.

Theo định kì, chính quyền dẹp bớt các trường tư dành cho trẻ nhập cư như một phần của chương trình “cải tạo đô thị” nhằm kiểm soát bùng nổ dân số ở Bắc Kinh - nơi dân số đã tăng lên 21 triệu người.

Hoạt động “dọn dẹp” trường cho trẻ nhập cư nhận được ý kiến 2 chiều. Có những ý kiến ủng hộ như: “Tôi nhận thấy ngày càng nhiều người đổ tới Bắc Kinh gây ra nhiều vấn đề như giao thông và ô nhiễm không khí. Vì vậy thành phố có những chính sách không khuyến khích người nhập cư. Tôi không biết đây có phải cách làm đúng hay không nhưng theo tôi cần phải làm gì đó để giảm dân số”.

Ở chiều ngược lại, có những ý kiến cho rằng việc làm này đẩy học sinh và giáo viên trường nhập cư vào tình trạng bất an.

Một giáo viên trường nhập cư lấy tên Helen cho biết đã làm việc ở một trường nhập cho tới đầu mua thu năm nay trước khi chính quyền yêu cầu đóng cửa. Cô và 15 học sinh lớp 3 phải chuyển đi. "Toàn bộ giáo viên và học sinh đều lo lắng không tìm được một cơ sở mới. Lúc này tôi cảm thấy như thành phố đang chối bỏ người nhập cư” - Helen chia sẻ.

Helen cũng là một người nhập cư, đến Bắc Kinh từ Nội Mông cùng với con gái 10 tuổi. Mặc dù cuộc sống tại Bắc Kinh bất an, Helen vẫn cảm thấy tốt hơn là quay về nơi cư trú đúng theo hộ khẩu bởi cô có cơ hội tìm việc làm tốt hơn ở thủ đô cũng như học hành tốt hơn cho con gái.

Riêng tại Bắc Kinh và vùng phụ cận có khoảng 8 triệu người nhập cư sinh sống nhưng phần lớn không được tiếp cận dịch vụ công - trong đó có y tế và giáo dục - bởi họ chỉ được hưởng dịch vụ này tại quê nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ