Trung Quốc: Triển vọng mới cho các trường nghề

GD&TĐ - Gần 20 năm sau khi suy thoái, việc học dựa trên các kỹ năng đang quay trở lại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0. Các trường dạy nghề của Trung Quốc hiện đang tấp nập thí sinh nộp đơn xin học. 

Một SV đang thực hành sửa chữa ô tô tại Trường CĐ kỹ thuật vận tải Yunnan
Một SV đang thực hành sửa chữa ô tô tại Trường CĐ kỹ thuật vận tải Yunnan

Bước ngoặt từ đầu thế kỷ

Triển vọng các trường dạy nghề quốc gia, những trung tâm giáo dục kỹ thuật truyền thống ở Trung Quốc đang trở nên sáng sủa hơn nhờ những lời kêu gọi của chính phủ về việc khôi phục “Tinh thần thạo nghề” và ảnh hưởng ngày càng tăng của sáng kiến “Made in China 2025”.

Mặc dù vậy, cho dù số tuyển sinh đang gia tăng, các trường dạy nghề vẫn không thu hút được các học sinh giỏi và nhiều người trẻ chỉ nghĩ các cơ sở giáo dục này như là phương sách cuối cùng trong trường hợp họ không tìm được một chỗ ở trường đại học.

Các chuyên gia lo ngại rằng định kiến đối với các trường nghề sẽ cản trở các nỗ lực thiết lập một đội ngũ công nhân có tay nghề nhằm thực hiện sáng kiến trên, vốn được công bố vào năm 2015 với mục đích cải tiến sản xuất, củng cố cơ sở công nghiệp và thúc đẩy sự đột phá trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, họ cho rằng, thiếu các giáo viên trình độ cao càng làm cho tình hình thêm khó khăn.

Vấn đề có nguồn gốc từ những cải cách về giáo dục kỹ thuật bắt đầu vào đầu thế kỷ này, khi chính phủ bãi bỏ một số chính sách hỗ trợ. Các thuận lợi đối với những trường nghề bị hủy bỏ, gồm miễn học phí cho học sinh, những đối tượng cũng nhận được trợ cấp và được bảo đảm có việc làm khi hoàn thành khóa học. Theo truyền thống, các trường này chuyên về các môn học như bảo trì ô tô, hàn và chế biến gỗ.

Tuy nhiên, hiện nay các trường tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến, như thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính và sử dụng các máy móc được điều khiển bằng thuật toán. “Trước năm 2000, chúng tôi không bao giờ lo về vấn đề tuyển sinh”, Yang Jingyuan, hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật vận tải Yunnan ở Kunming, tỉnh Yunnan nói.

Sau những cải cách, lĩnh vực giáo dục kỹ thuật bắt đầu suy yếu và trường cao đẳng nghề của ông vốn nhộn nhịp nằm trên khu đất 80ha, hầu như vắng bóng sinh viên. Vào lúc này, các trường kỹ thuật mất hầu hết các lợi thế từng được hưởng, có nghĩa là phải chấp nhận các tình huống mới: sự vắng bóng hoàn toàn sự tài trợ của chính phủ, hay là đóng cửa.

Yang nhớ lại khi số lượng sinh viên lao dốc, mỗi thành viên trong trường được huy động đi làm công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, các nỗ lực của họ không mang lại thành công và chẳng mấy chốc chỉ còn 600 sinh viên trong trường, so với con số chỉ tiêu là 4.500 em.

“Chúng tôi phải đến các trường trung học xa và gần để tuyển sinh nhưng thường nhận được những cái nhún vai lạnh lùng”, ông nói. Hiệu trưởng các trường trung học thường đùa với nhau rằng, cần “cảnh giác đặc biệt đối với hỏa hoạn, kẻ trộm và các nhân viên làm công tác tuyển sinh của trường nghề”.

Trung Quốc đang cần thợ có tay nghề cao

Trung Quốc đang cần thợ có tay nghề cao

Học viên một lớp nghề thêu

Học viên một lớp nghề thêu

Sự thay đổi tích cực

Hiện nay, nhu cầu về các kỹ năng công nghệ tăng cao, đưa đến những thay đổi khác, lần này mang tính tích cực. “Trước năm 2000, sinh viên muốn vào trường của chúng tôi đều được chấp nhận, mà không cần quan tâm đến thành tích học tập. Hiện nay, điểm chuẩn đã được đặt ra và số lượng tuyển sinh về cơ bản đã tăng lên. Trường mở rộng với 11 ngàn sinh viên và dự tính sẽ tăng lên 12 ngàn vào năm tới”, Yang nói, “Hầu hết sinh viên trường chúng tôi đều được đề nghị việc làm trước khi tốt nghiệp”.

Theo ông, sự thay đổi này một phần quan trọng là nhờ các lãnh đạo trung ương đã quan tâm đến giáo dục kỹ thuật trong những năm gần đây và nhu cầu về công nhân có tay nghề gia tăng.

Tại Đại hội đồng WorldSkills tổ chức ở Dubai ngày 13-10 vừa qua, Thượng Hải được chọn làm nơi gặp gỡ cuộc thi kỹ năng thế giới năm 2021, một sự kiện toàn cầu nhằm tìm kiếm sự thúc đẩy công nhận các lao động có tay nghề và khuyến khích những người trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghiệp.

Ông Yang Jingyuan nói rằng trường của ông hiện được hưởng những hỗ trợ về tài chính chưa từng có từ chính phủ, sẽ đầu tư 405 triệu nhân dân tệ (61 triệu USD) vào năm 2020, hơn tổng đầu tư mà nó có được trong 30 năm kể từ khi thành lập.

Sự chuyển tiếp kinh tế từ sản xuất truyền thống sang tin cậy vào lĩnh vực kỹ thuật cao sẽ kích thích nhu cầu nhân lực có tay nghề. “Trong khi có một sự thiếu hụt về lao động có kỹ năng, nhiều người có bằng cử nhân và thạc sĩ đang phải chật vật tìm kiếm công việc. Sự phát triển kinh tế cần lao động có tay nghề”, ông nói

Theo Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, số trường kỹ thuật từ 2545 vào cuối năm 2015, còn 2526 vào cuối năm ngoái, nhưng số học viên tăng 10.000, đạt mức 3,23 triệu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, các trường kỹ thuật quốc gia tăng số lượng tuyển sinh.

Vào năm 2003, 5 trường kỹ thuật ở Baoshan, Yunnan, không đủ số học viên đã hợp nhất để thành lập Trường Cao đẳng kỹ thuật Baoshan.

Mặc dù trường mới chỉ tuyển 500 sinh viên trong năm học đầu tiên, hiện nay mỗi năm có khoảng 3000 sinh viên đăng ký và chính phủ đang hỗ trợ nguồn quỹ để xây dựng khu trường sở mới. Yang Fagen, hiệu trưởng, cho biết, trường đã vay 620 triệu nhân dân tệ để xây dựng cơ sở giảng dạy và dự tính dành ra 120 triệu nhân dân tệ để đầu tư trang thiết bị hiện đại.

Chính phủ cũng đã hỗ trợ trường ít nhất 10 triệu nhân dân tệ/năm trong 3 năm qua.

Tuy nhiên, trên cả nước vẫn còn thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp.

“Hầu hết giáo viên ở các trường kỹ thuật đều tốt nghiệp đại học. Họ có kiến thức nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn cho yêu cầu giáo dục kỹ thuật. Do đó, sinh viên do họ đào tạo khó đáp ứng những nhu cầu về công nghệ hiện đại”, Yang Fagen nói.

Theo He Liangping, Vụ phó đào tạo khả năng chuyên môn thuộc Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, hơn 5,3 triệu sinh viên đã tốt nghiệp kỹ thuật kể từ năm 2012 và hơn 97% có việc làm phù hợp.

Vấn đề là trong khi chính phủ đang cho rằng, giáo dục kỹ thuật là rất quan trọng, vẫn còn không ít người thích học ở các trường đại học hơn là các trường dạy nghề.

Tình trạng này là kết quả của hệ thống đánh giá tài năng quốc gia, bởi vì bằng cử nhân thường được xem là tiêu chuẩn trong tuyển dụng, nhưng các trường kỹ thuật không giáo dục theo bằng cấp. Trong khi đó, việc xem thường lao động “cổ cồn xanh” cũng góp phần vào thực trạng này. Vào những năm 1960- 1970, các lao động có tay nghề cao thường giữ những vị trí như phó giám đốc nhà máy.

Hiện nay, những trường hợp này không còn nữa. Nếu những lao động “cổ cồn xanh” được hưởng vị trí công việc cao và được xã hội coi trọng, người ta sẽ thay đổi ý nghĩ và nhiều học sinh sẽ chọn trường nghề như định hướng nghề nghiệp tương lai.

Yang Jingyuan, hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Vận tải Yunnan, cho biết số sinh viên trường kỹ thuật tăng, cũng đồng nghĩa với sự chọn lựa học đại học đã giảm dần, thậm chí có một số em từ bỏ trường đại học ghi danh vào các trường nghề.

Năm 2014, Ma Fuxiang đã trải qua nửa chặng đường đại học ngành tài chính và chứng khoán, quyết định chuyển đến Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vận tải Yunnan để học bảo trì và sửa chữa ô tô. Anh nói: “Nhiều người xem thường các trường kỹ thuật. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi quan điểm này nên khi tốt nghiệp đại học, liền chọn trường đại học thi vào. Nếu tôi tiếp tục học tài chính và chứng khoán, khi ra trường tôi có thể có một công việc ở văn phòng chứ không phải là một công nhân… Tuy nhiên, tôi muốn theo đuổi niềm yêu thích của mình”.

Theo Chinadaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ