Nghĩ mới, làm mới trong hướng nghiệp

GD&TĐ - Nhiều trường THPT tại Nghệ An đã có những cách làm sáng tạo, thiết thực trong công tác phân luồng, hướng nghiệp nhằm giúp HS có thêm thông tin, cân nhắc các lựa chọn phù hợp cho mình sau khi học xong lớp 12.

Nghĩ mới, làm mới trong hướng nghiệp

Xây dựng phần mềm thống kê và dự báo

Từ tháng 3/2017, thầy Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 bắt đầu xây dựng website của trường. Ngoài việc thông tin các hoạt động dạy học, phong trào ngoài giờ lên lớp của thầy trò, lịch công tác hàng tuần cũng như các thông tin giáo dục quan trọng thì website này còn có một điều đặc biệt là mục “Cựu HS”.

Trong đó, liên tục cập nhật danh sách các khóa đã tốt nghiệp ra trường bao gồm họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại, đang học hoặc làm công việc gì.

Thầy Phương cho biết: Những thông tin này do chính các bạn cựu học sinh đó cung cấp khi truy cập vào website của trường. Mục đích xây dựng chuyên mục này, là để kết nối các cựu HS khóa trước với các em đang học tại trường.

Thứ hai là để biết được HS sau khi tốt nghiệp đi đâu, tình hình nghề nghiệp thế nào. Đây là một lỗ hổng trong tin tức liên lạc mà theo tôi quan sát, chưa trường phổ thông nào chú ý thống kê, nắm bắt một cách bài bản.

Hiện, số lượng cựu HS đã là 2.000 người và vẫn tiếp tục tăng nhanh. Theo thầy Phương cho biết, điều đáng mừng là đa số các em đều có công việc để làm, để kiếm sống, một số em có thể gọi là thành đạt.

Từ việc thống kê trên, nhà trường có số liệu, căn cứ nhằm định hướng, hướng nghiệp cho HS một cách phù hợp. Bởi chính lực lượng HS ra trường, đang va chạm với cuộc sống sẽ nắm bắt xu hướng thị trường lao động, các ngành nghề thu hút trong tương lai một cách phong phú, thực tế hơn là các thầy cô đang giảng dạy trong trường.

“Lâu nay, chúng ta cứ nói đến công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS, nhưng tầm nhìn, trải nghiệm thực tiễn của các thầy cô giáo ở trường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân luồng HS chủ yếu cho thấy sự lựa chọn, quyết định của các em trong thời điểm hiện tại. Mà lựa chọn này, vẫn đang còn cảm tính, theo số đông. Vì vậy, công tác phân luồng hướng nghiệp của nhà trường cần phải có sự đổi mới, mang tính thiết thực hơn” - thầy Phương chia sẻ.

Thầy Phương đề xuất: Website của trường tôi mới chỉ là bước thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Theo tôi, để công tác hướng nghiệp thực sự hiệu quả, thì nên xây dựng phần mềm hướng nghiệp quy mô cấp tỉnh. Trong đó, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp cập nhật, thống kê và đưa ra con số nhu cầu lao động của ngành nghề mình phụ trách trong 5 năm tới.

Ví dụ, công chức xã, huyện là bao nhiêu, hoặc các ban ngành như ngành nông nghiệp, ngành sư phạm có nhu cầu thế nào… Qua đó, HS sẽ nhận biết được một cách tương đối nhu cầu thị trường lao động như thế nào, tránh tình trạng cứ học, nhưng sau khi ra trường ngành nghề đó không có biên chế, thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc làm trái nghề”.

Dạy nghề trong nhà trường phổ thông

Trường THPT Nghi Lộc 4 là một trường có tỷ lệ phân luồng sâu. Những năm gần đây, tỷ lệ HS xét tuyển vào đại học, cao đẳng sau THPT chỉ nằm khoảng 20 – 30%, phần còn lại, các em thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp, sau đó học nghề hoặc đi du học, xuất khẩu lao động.

Hiện nay, để giúp HS có định hướng nghề nghiệp, thì ngay từ năm lớp 10, trường đã cho HS đăng ký phân ban, phân lớp. Trường thực hiện giáo dục toàn diện, nhằm đảm bảo trang bị chuẩn kiến thức kỹ năng cho tất cả HS để tốt nghiệp THPT. Với những em dự định xét tuyển ĐH, CĐ, trường sẽ bố trí ôn tập, đẩy mạnh học văn hóa.

Còn những em mục đích học chỉ để thi xét tốt nghiệp THPT, thì trường cho các em đăng ký học nghề. Cách phân phối chương trình học như thế nhằm đảm bảo phù hợp với từng đối tượng HS. Trong quá trình học, có thể các em nhận thấy nhu cầu của mình thay đổi, thì xin chuyển đổi lớp bình thường.

Tháng 11/2017, Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An bắt đầu liên kết với Trường Trung cấp kinh tế, kỹ thuật TP Vinh để đào tạo nghề cho HS các nghề may, nấu ăn, điện dân dụng. Theo thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng nhà trường thì trường sẽ bố trí không gian, phòng học, phân phối chương trình học hợp lý và quản lý HS. Còn phía trường trung cấp sẽ hỗ trợ máy móc, thiết bị và dạy nghề cho các em.

Mặc dù HS của trường tỷ lệ xét tuyển ĐH, CĐ rất cao, trên 90%, nhưng nhà trường cho các em học những nghề thiết thực. Ra trường, các em có thêm bằng trung cấp nghề, nhưng quan trọng là các em có thêm kỹ năng trong cuộc sống, để khỏi bỡ ngỡ khi không học nội trú nữa, thậm chí có thể tự kiếm sống được rồi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT: Mô hình dạy nghề trong trường phổ thông có hiệu quả do đáp ứng nguyện vọng của người dân và HS. Sau khi tốt nghiệp, vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề, không mất nhiều kinh phí theo học.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này thì còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu về cơ sở vật chất và sắp xếp bố trí lịch học cho HS. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Giám đốc Sở, và UBND tỉnh những chính sách phù hợp để các nhà trường trong quá trình tổ chức dạy nghề. Tăng cường giám sát, kiểm tra hiệu quả thực hiện cũng như tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình tuyển sinh.

Mô hình đào tạo nghề cho HS trong các trường THPT Nghệ An hiện đã được triển khai ở các trường THPT như Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh), Mai Hắc Đế (Nam Đàn), Nghi Lộc 5, Yên Thành 2, Nam Yên Thành… Kết thúc khóa học HS vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa được các trường nghề cấp bằng trung cấp nghề và cam kết giới thiệu có việc làm, nên thu hút khá đông HS tham gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình này còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa trường THPT với các trường nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ