Trung Quốc thử “sát thủ đảo Guam”, Mỹ xem xét biện pháp đối phó

GD&TĐ - Một radar cảnh báo sớm của Mỹ có thể sớm được lắp đặt tại Nhật Bản để theo dõi những vũ khí được phóng tới và giám sát vệ tinh của kẻ địch – một tờ báo Nhật Bản tiết lộ sau khi Trung Quốc công bố tên lửa mới nhất có thể với tới đảo Guam của Mỹ.  

Mỹ xem xét lắp radar cảnh báo sớm ở Nhật Bản
Mỹ xem xét lắp radar cảnh báo sớm ở Nhật Bản

Theo tờ Yomiuri dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ và Nhật, Washington sẽ đàm phán với Tokyo về việc triển khai Radar phòng vệ trong nước (HDR) trên đất Nhật Bản.

Hệ thống cảnh báo sớm này sẽ phát hiện và theo dõi tên lửa bắn tới, đồng thời giám sát vệ tinh của kẻ thù ở ngoài không gian.

Các nguồn tin của Yomiuri không nói những quốc gia nào nằm trong tầm theo dõi của radar trên nhưng bài báo có đề cập tới những nước như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Bài báo trên được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc giới thiệu tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân của họ là DF-26. Loại vũ khí này được đưa vào quân đội từ tháng 4 năm ngoái nhưng chưa hoạt động.

Tên lửa DF-26 được cho là có tầm xa từ 3.000 – 5.741 km, điều này có nghĩa là nó có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ nếu chiến tranh nổ ra. Giới truyền thông thế giới có nhiều đồn đoán cho rằng tên lửa này cũng có thể được dùng để tấn công các mẫu hạm Mỹ trên biển.

Quân đội Mỹ đã bắt đầu xây dựng cơ sở HDR đầu tiên ở Hawaii. Theo hợp đồng trị giá 585 triệu USD, một công ty sẽ phát triển, thử nghiệm và lắp ráp radar này vào năm 2023.

Hệ thống của Nhật được cho là sẽ hoạt động vào năm 2025 và sẽ kết hợp với HDR ở Hawaii. Tuy nhiên đây không phải là tin tức duy nhất về việc mở rộng phòng thủ tên lửa của Lầu năm góc trong những ngày gần đây.

Hôm qua (29/1), Mỹ đã phê chuẩn việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore cho Nhật trong thương vụ trị giá 2,15 tỉ USD.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ