Trung Quốc: “Thị trấn ma” tái sinh nhờ cơn sốt giáo dục

GD&TĐ - Kangbashi, thị trấn nằm giữa sa mạc Nội Mông cằn cỗi, từng được đầu tư nhiều dự án chung cư cao cấp. Vì không được người dân quan tâm, khu vực này nhanh chóng bị bỏ hoang, được gọi là “thành phố ma”.

Giá nhà đất tại Kangbashi tăng vọt nhờ phát triển giáo dục.
Giá nhà đất tại Kangbashi tăng vọt nhờ phát triển giáo dục.

Mọi chuyện dần thay đổi khi chính quyền địa phương cho phép mở chi nhánh của các trường phổ thông, đại học hàng đầu tại Kangbashi. Nhiều cha mẹ Trung Quốc đổ xô mua nhà tại khu vực này, làm tiền đề cho con cái hưởng nền giáo dục chất lượng.

Điều này khiến giá bất động sản trong khu vực tăng vọt, khiến nơi đây dần hình thành dáng vẻ sầm uất, náo nhiệt.

Nhân viên tại một công ty bất động sản đánh giá giá nhà chung cư tại Kangbashi luôn biến động trong hơn 10 năm qua. Vào năm 2009, các căn hộ có giá hơn 8.000 nhân dân tệ (khoảng 28 triệu đồng)/m2.

Có thời điểm, giá nhà giảm xuống 3.000 - 5.000 nhân dân tệ/m2. Nhưng hiện tại, giá nhà tại trung tâm thị trấn Kangbashi lên đến 15.000 nhân dân tệ (hơn 400 triệu đồng)/m2.

Giá nhà tăng cao tỷ lệ thuận với tình hình giáo dục tại địa phương khi các trường hàng đầu như Trường Trung học số 1 Ordos mở chi nhánh tại đây. Theo quy định tuyển sinh tại quốc gia này, học sinh phổ thông có hộ khẩu được ưu tiên ứng tuyển vào các trường trong khu vực.

Như vậy, giá nhà tại các khu vực có trường học tốt luôn bị đẩy lên cao so với các khu vực khác. Tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, những trung tâm giáo dục của cả nước, giá nhà đất có thể lên tới hàng triệu USD.

Trường Trung học số 1 Ordos được tôn vinh vì giúp giải quyết vấn đề nhà cửa tại Kangbashi. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục đánh giá đây không phải chiến lược lâu bền. Lấy ví dụ, thành phố Thiên Tân từng xây dựng trường học chất lượng cao trong khu vực chịu ảnh hưởng từ động đất vào năm 2015 nhằm thúc đẩy tái phát triển khu vực này.

Kế hoạch này cho thấy để thúc đẩy nền kinh tế, Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc tương đối nhiều vào bất động sản. Và giáo dục là đòn bẩy để nâng tầm bất động sản nhưng chưa phải mục tiêu phát triển chính tại đất nước tỷ dân.

Nếu dòng người đổ xô về các chung cư có giáo dục tốt, các trường học không thể bảo đảm đủ chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ em trong khu vực. Từ đó, chính quyền sẽ phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh, vô tình gia tăng áp lực học tập cho các em nhỏ.

Trước Kangbashi, Thượng Hải hay Bắc Kinh từng rơi vào tình trạng khủng hoảng nhà đất khi giá nhà liên tục tăng vọt trong khi mức độ tranh đua của các gia đình có con nhỏ không ngừng giảm nhiệt. Kể từ năm 2011, chính quyền thành phố đã quy định mỗi hộ gia đình chỉ được sở hữu tối đa hai bất động sản nhằm hạ nhiệt thị trường nhà tại Thượng Hải.

Sau đó, 8 phòng giáo dục tại Thượng Hải đã yêu cầu mỗi gia đình chỉ có một con được phép theo học trường trong khu vực trong 5 năm. Những em khác phải theo học tại các trường ngoài khu vực.

Điều này nhằm giảm nhiệt tại các khu vực có trường chất lượng, phân bổ đều lượng học sinh cho các trường vùng ven. Mặc dù, quy định này đã hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định giá nhà ở, vấn đề tuyển sinh tại các trường tốt vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Các thành phố lớn khác tại Trung Quốc đang thực hiện cải cách tương tự như Thượng Hải. Nếu tình hình tại Kangbashi tiếp tục tăng mạnh, chính quyền địa phương sẽ phải tìm cách để mở rộng chất lượng giáo dục nhằm cung cấp đủ môi trường học tập cho trẻ em, đồng thời không làm suy chuyển sức nóng của bất động sản trong khu vực.

Theo Nikkei, Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ