Bất cập giáo dục tại trung tâm công nghệ hàng đầu Trung Quốc

GD&TĐ - Thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ cao tại Trung Quốc, đang cân nhắc đưa chương trình giáo dục miễn phí 12 năm vào trường học từ năm 2025.

Trẻ em Thâm Quyến có thể học miễn phí 12 năm phổ thông.
Trẻ em Thâm Quyến có thể học miễn phí 12 năm phổ thông.

Trước đó từ năm 2017, thành phố láng giềng, Chu Hải, nơi có nền kinh tế nhỏ hơn so với Thâm Quyến, là thành phố đầu tiên cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em.

Trong những năm gần đây, Thâm Quyến đã thành công trong việc mở rộng nền kinh tế. GDP của thành phố này đã vượt qua Hồng Kông, đạt 2,77 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 423 tỷ USD) vào năm 2020.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố phải đối mặt với những chỉ trích vì không đáp ứng được không gian, điều kiện học tập cho trẻ em trong thành phố.

Yang Qin, thành viên của Cơ quan Lập pháp Thâm Quyết, đánh giá chính quyền đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục từ cấp mầm non đến đại học. Nhưng thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trước mắt, Thâm Quyến dự định tăng chương trình giáo dục bắt buộc từ 9 năm lên 12 năm. Yang nhận xét dự án này sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết nếu được đưa ra quá vội vàng. Thay vào đó, chính quyền nên đi từng bước nhỏ, từ việc cung cấp chương trình giáo dục miễn phí 12 năm.

Đồng tình với quan điểm của Yang, Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, cho rằng cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em từ mọi hoàn cảnh khác nhau sẽ dễ dàng hơn việc yêu cầu giáo dục bắt buộc 12 năm.

Điều này thể hiện chính quyền chú trọng và sẵn sàng tăng tài trợ dành cho giáo dục nhưng không ép buộc học sinh phải học đủ 12 năm nếu không muốn. Nhờ được giáo dục miễn phí, trẻ em trong thành phố sẽ được tiếp cận với tri thức tốt hơn, giảm gánh nặng cho các gia đình. Từ đó, thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế song hành cùng phát triển giáo dục.

Fu Chengzhe, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Trường ĐH Sư phạm Nam Trung Quốc, tỉnh Quảng Châu, đánh giá nếu dự án của Thâm Quyến được thực hiện, nó sẽ là tấm gương sáng cho các thành phố khác, đặc biệt là những thành phố phát triển, đang phát triển.

Kế hoạch này cũng xuất phát từ bất cập trong việc giữ chân nhân tài trong thành phố. Thâm Quyến vốn nổi lên nhờ đạt nhiều tiến bộ về khoa học công nghệ trong thập kỷ gần đây. Song thành phố này gặp trở ngại trong việc thu hút và cầm chân những ứng viên tài năng vì người lao động lo ngại con cái không được hưởng nền giáo dục chất lượng.

Thành phố này chưa giải quyết được vấn đề thiếu trường mẫu giáo, tiểu học. Dù các trường đại học danh tiếng như ĐH Bắc Kinh, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã thành lập cơ sở tại Thâm Quyến, thành phố này vẫn chưa có đủ trường tốt để ươm mầm tài năng.

“Lỗ hổng giáo dục đang tạo ra những tác động tiêu cực lên sự phát triển của Thâm Quyến. Chính quyền địa phương đã nhận thức rõ điều này. Vì vậy, từ bức tranh toàn cảnh, câu hỏi đặt ra cho thành phố này là làm thế nào để tăng cường và đổi mới giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cạnh tranh”, ông Fu bày tỏ.

Tại Trung Quốc, học sinh phải hoàn thành 9 năm giáo dục bắt buộc gồm cấp tiểu học và THCS. Sau đó, các em tham gia kỳ thi tuyển sinh vào THPT, hay còn gọi là zhongkao, để giành suất vào các trường chất lượng.

Hoàn thành bậc phổ thông, học sinh tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển sinh vào đại học Gaokao, một trong những kỳ thi được đánh giá là khốc liệt nhất thế giới.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ